- Truyện ký - Tản văn
- Trước bóng tiền nhân – Ký của Nguyên Hùng
Trước bóng tiền nhân – Ký của Nguyên Hùng
Chào đón tháng Năm – mùa sen nở và cũng là mùa tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Sông Lam số 53 ra mắt bạn đọc như một nén tâm hương kính dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Ấn phẩm lần này dành trọn không gian cho những sẻ chia, cảm xúc và sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ cả nước hướng về Bác. Ngay từ trang bìa, bức tranh Bác về thăm quê của họa sĩ Tạ Tâm đã lay động lòng người bằng hình ảnh Bác Hồ giản dị, gần gũi giữa vòng tay quê hương xứ Nghệ.
Bài "Thời luận" của Mai Nam Thắng khẳng định vai trò xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh trong hành trình đổi mới và sáng tạo của đất nước. Trong khi đó, nhà thơ Bùi Sỹ Hoa tiếp tục khơi gợi sứ mệnh của người nghệ sĩ trong kỷ nguyên mới – một hành trình tiếp nối dòng tư tưởng lớn mà Bác để lại.
Đặc biệt, tạp chí đã ưu tiên giới thiệu các sáng tác mới từ Trại sáng tác Văn học Thiếu nhi tại Nam Đàn (diễn ra từ ngày 17 đến 24/4/2025), với những tác phẩm:
- Trong nắng Truông Bồn (thơ Quỳnh Như)
- Trước bóng tiền nhân (ký Nguyên Hùng)
- Thăm nhà Bác – Trái bưởi vàng (thơ Ngọc Khương)
- Giấc mơ Sông Lam (thơ Trang Thanh)
- Mặt trời trốn trong lá (thơ Trần Hà Yên)
Tạp chí Sông Lam số 53 là một món quà tinh thần giàu giá trị, mời gọi bạn đọc cùng lắng đọng, chiêm nghiệm và lan tỏa những điều tốt đẹp về Bác Hồ kính yêu và quê hương xứ Nghệ. Văn chương TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu chùm thơ của 4 tác giả; đến lượt Cánh buồm thao thức xin giới thiệu bài ký của Nguyên Hùng.
NGUYÊN HÙNG
TRƯỚC BÓNG TIỀN NHÂN
Gió từ núi Hồng Lĩnh thổi qua dải Thiên Nhẫn, mang theo mùi hương hoa rừng và bụi thời gian. Cái nắng đầu hạ như vừa đủ để hong khô những bước chân lữ thứ, lại cũng vừa đủ để sưởi ấm cõi lòng – khi chúng tôi, những người bạn văn đến từ nhiều miền đất nước, cùng nhau dừng lại bên những dấu chân xưa của lịch sử.
Chúng tôi đã đến đây – bên Hồ Thành lặng soi trời mây Nam Kim – với tâm thế của những người đi tìm sự tĩnh tại, tìm một khoảng lùi để soi chiếu lại chính mình giữa dòng đời cuộn chảy. Một hành trình tưởng như chỉ là chuỗi điểm đến văn hóa – lịch sử trong khuôn khổ một trại sáng tác, lại vô tình trở thành chuyến đi vào cõi sâu tâm tưởng.
Bởi khi đứng trước những di tích thiêng liêng, nơi từng in dấu chân của các bậc tiền nhân gánh vác sơn hà, tôi không thể không tự vấn: Ta là ai giữa thời đại hôm nay? Ta có học được gì từ những bóng hình đã khuất – những con người không chỉ là danh nhân của một vùng đất mà còn là nhân cách lớn của dân tộc?
La Sơn Phu Tử – cái lưng thẳng của kẻ sĩ giữa thời binh lửa
Tôi không thể quên cảm xúc khi đứng trước khu mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, giữa sườn núi cao, phía trước mặt là Hồ Thành thơ mộng, nơi rất thoáng đãng nhưng không khí dường như đặc quánh lại bởi sự lặng im uy nghiêm. Nguyễn Thiếp – một kẻ sĩ đúng nghĩa – người từng từ quan, sống ẩn dật trên núi Bùi Phong, lấy sách làm bạn, lấy dân làm gốc. Nhưng cũng chính ông, ba lần được Quang Trung thỉnh mời, đã rời chốn ở ẩn để góp trí tuệ giúp vua, trong những giai đoạn quan trọng của quốc gia. Chính ông đã hiến kế giúp Quang Trung đại thắng quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu (1789) và đã dâng lên vị anh hùng áo vải một bản tấu bàn về 3 vấn đề cốt yếu trong phép trị nước: "Quân đức" - “Dân tâm" - "Học pháp" nhằm khuyên vua nên theo đạo Thánh hiền, nên dùng nhân chính để thu phục lòng người và phải chăm lo việc giáo dục…
Ở thời đại ấy, ra làm quan không phải để hưởng bổng lộc, mà là để hiến dâng. Vào triều không phải vì danh tiếng, mà vì trách nhiệm. Nguyễn Thiếp hiểu rằng thời thế cần ông – và ông không thể quay lưng. Cũng như khi đất nước không còn nguy nan, ông lại lui về, để giữ mình thanh bạch, sống đúng với tinh thần "an bần lạc đạo".
Triết lý “Kẻ sĩ sống chết vì đạo nghĩa” của ông không chỉ là lời nhắc nhở gửi tới vua quan đương triều, mà là lời cảnh tỉnh muôn đời cho những người có học, có chữ, có lương tri.
Chúng tôi cúi đầu trước mộ cụ Nguyễn Thiếp, không chỉ để tỏ lòng thành kính mà còn để nhắc nhớ nhau rằng: làm người viết, đôi khi cũng cần dám “lánh mình” như La Sơn Phu Tử, nhưng là để giữ vững tiết tháo, để giữ sự trong sáng cho con chữ, giữ trách nhiệm với thời cuộc. Có lẽ, đó là cách mà hậu thế tri ân tốt nhất – bằng sự tiếp nối và ý thức, không chỉ bằng vòng hoa hay nén hương.
Và tôi tự hỏi: hôm nay, chúng ta – những người cầm bút – đã từng khi nào sống trọn với cái “lưng thẳng” như thế chưa? Chữ nghĩa viết ra có hướng về sự thật và cái đẹp không? Hay đôi khi lại cúi xuống hoặc lách nghiêng trước những phù phiếm tạm bợ?
Nguyễn Thiếp không để lại nhiều sách vở, nhưng để lại một di sản nhân cách. Đó chính là thứ chúng tôi cần học nhất – học để viết, học để sống.
Đoàn nhà văn trước phần mộ La Sơn Phu Tử.
Bóng dáng Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian quê hương
Và rồi chúng tôi đến Kim Liên – nơi Bác Hồ sinh ra, nơi cái nôi của một vĩ nhân. Hai bờ quê nội – quê ngoại, xanh rợp tre trúc, rợp bóng ký ức. Trên con đường nhỏ, tôi hình dung bước chân Bác thuở thiếu thời, những năm tháng đầu tiên nuôi mầm lý tưởng cho cả một cuộc đời dấn thân vì dân tộc.
Không nơi đâu như ở đây, sự giản dị lại khiến lòng người chùng xuống. Một chiếc giường tre, vài vật dụng mộc mạc, một khung cửa nhỏ nhìn ra sân đầy nắng – tất cả khiến tôi nghẹn lại. Cuộc đời của một lãnh tụ bắt đầu từ chính nơi lam lũ này. Không ngai vàng, không gấm vóc, chỉ có lý tưởng lớn, có tình thương sâu và trí tuệ hiếm có. Viết về Bác, thật khó – bởi không phải chỉ viết về một con người, mà là viết về một biểu tượng – của đạo đức, của dấn thân, và của nhân ái.
Điều khiến tôi xúc động nhất là khi ngẫm ngợi, từ chính nơi mảnh vườn này, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Bàn chân guốc mộc năm nào đã bước ra biển lớn, mở đầu một hành trình vĩ đại – không phải chỉ là cuộc ra đi của một cá nhân, mà là sự thức dậy của cả một dân tộc. Sau hơn nửa thế kỷ xa quê, ngày 16 tháng 6 năm 1957, Bác Hồ mới có dịp trở về thăm quê hương Nghệ An – một chuyến về thăm không chỉ nối lại mạch nguồn ký ức mà còn làm ấm lòng bao người dân xứ Nghệ.
Tôi đã đứng lặng giữa vườn quê Kim Liên, giữa hương cau, hương bưởi ngan ngát và tiếng chim chiều xa vắng. Có một điều rất lạ: dù bao lần đọc tiểu sử, xem phim tài liệu, tôi vẫn thấy lòng mình như mềm ra, xúc động như lần đầu biết đến một con người từng cất tiếng khóc chào đời ở đây, rồi cả cuộc đời chỉ sống cho người khác. Cả cuộc đời Bác, như ai đó đã nói, có thể gói gọn trong một chữ “vì” – vì dân, vì nước, vì nhân loại khốn cùng. Và tôi, một người viết bé nhỏ, đã tự hỏi mình: trong từng con chữ, liệu mình có chắt lọc được chút tinh hoa từ phẩm chất ấy?
Đứng ở đây, tôi không chỉ thấy ngôi nhà tranh đơn sơ mà như thấy cả những năm tháng cơ cực, thấy cả ý chí kiên cường ẩn trong dáng vóc nhỏ bé ấy. Từ Kim Liên, Người đã đi tới năm châu, mang theo hồn dân tộc. Để rồi khi trở lại, không phải là trở về của một người con xa xứ, mà là sự hồi cố của một vị cha già dẫn dắt cả dân tộc qua bể dâu thời cuộc.
Người sống vì dân, nghĩ vì nước, viết vì nhân loại, và cuối cùng ra đi trong căn nhà sàn mộc mạc, tài sản chỉ là vài bộ quần áo cũ và một chiếc tủ sách. Nhưng Người để lại một gia tài văn hóa đồ sộ, với hàng ngàn bài viết, bài báo, và những bức thư thấm đẫm lòng yêu nước, yêu dân.
Chúng tôi, những người viết hôm nay, dẫu viết về bất kỳ đề tài nào – lịch sử, thiếu nhi, thơ ca hay đời sống – vẫn luôn phải soi chiếu mình qua tấm gương đạo đức và nhân văn của Người. Viết – không chỉ là để in ra giấy, mà còn là một hành vi đạo đức. Viết – để lan tỏa tử tế, khơi dậy lẽ phải, gìn giữ nhân cách.
Các nhà văn trước nhà Bác Hồ tại Kim Liên, Nam Đàn.
Nguyễn Du – mắt nhìn thấu nghìn năm nhân thế
Tôi đã từng đọc “Truyện Kiều” từ thuở học trò, từng thuộc lòng những câu thơ thấm đẫm thân phận con người và tấm lòng thế sự. Nhưng chỉ khi đứng lặng trước tượng Nguyễn Du trong khu tưởng niệm ở Tiên Điền, trong nắng và gió của một buổi xế trưa, tôi mới thật sự cảm được thế nào là nỗi cô đơn của kẻ thức thời giữa cuộc thế đổi thay.
Nguyễn Du, một người đi qua nhiều triều đại, từng bị dằn vặt giữa trung quân và lòng dân, giữa chữ “trung” và chữ “hiếu”, giữa cái sống và cái viết. Cuộc đời ông là minh chứng cho một điều: kẻ sĩ thực thụ không sống dễ dãi. Họ bị giằng xé, họ đau, nhưng họ viết – và từ nỗi đau ấy, họ để lại cho nhân gian một “Truyện Kiều” thấm đẫm nhân đạo, một di sản để hậu thế soi mình. Trước tượng ông, tôi thầm nghĩ: làm người viết hôm nay, nếu không đủ nhẫn nại, không đủ tỉnh táo và trắc ẩn để hiểu đời – thì sao có thể viết ra được điều gì chân thực?
Nguyễn Du không chỉ là một nhà thơ, mà là một nhà nhân học. Ông viết về thân phận, về nỗi bất công, về sự giằng xé giữa đạo lý và định mệnh. Mỗi câu thơ ông viết ra đều như một tiếng thở dài của nhân thế, nhưng cũng là một sự cứu rỗi bằng cái đẹp.
Có thể nói, Nguyễn Du là một trong những người đầu tiên dám nói lên cái đau của con người, trong một thời đại mà lễ giáo đè nặng và chiến tranh vẫn âm ỉ cháy. Ông viết bằng nước mắt, bằng những đêm trăn trở – để lại một áng văn không chỉ đẹp, mà còn có tính giải phóng.
Người viết hôm nay, liệu còn bao nhiêu người dám đối diện với cái bi kịch của thời đại mình? Dám chạm đến sự thật dù gai góc, phức tạp? Dám sống và viết như Nguyễn Du – đặt "tâm" làm gốc?
Các nhà văn trước tượng Nguyễn Du tại Khu tưởng niệm Đại thi hào.
Nguyễn Công Trứ – bậc sĩ phu tài tử, giữa hai bờ đời – thơ
Và rồi, chúng tôi dừng chân tại nơi yên nghỉ của Nguyễn Công Trứ – một nhân cách độc đáo bậc nhất trong lịch sử Việt. Ông là một đại quan, nhưng cũng là một thi sĩ lãng tử. Lúc làm Tổng đốc, ông uy nghiêm, hết lòng vì dân. Lúc bị giáng chức, về vườn đi cày, ông vẫn thản nhiên ngâm thơ, đánh đàn. Dù ở đâu, ông vẫn là chính mình – một kẻ sĩ đúng nghĩa.
Tôi yêu câu thơ ông viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Danh – ở đây không phải là danh vọng, mà là dấu ấn. Người cầm bút cũng thế. Viết không phải để nổi tiếng, mà để để lại cái gì đó với đời. Một câu thơ làm ấm lòng ai đó, một trang văn thức tỉnh một tâm hồn, một bài báo lay động một nhận thức – đó mới là “danh” chân chính.
Nguyễn Công Trứ dạy ta rằng, làm quan hay làm thơ, đều cần khí phách. Và khí phách ấy – đôi khi – nằm trong sự lặng im không đầu hàng, trong sự tự tại giữa vòng danh lợi, trong nụ cười khi đối diện với nghịch cảnh.
Trước bàn thờ ông, chúng tôi cúi đầu tri ân một kẻ sĩ đã đi hết một đời trọn vẹn – dẫu thăng trầm, vẫn giữ được cái “tôi” đậm đà cốt cách. Có lẽ, đó là điều người viết hôm nay cần học: sống một đời không uổng – không cúi đầu trước những hào nhoáng giả trá, không ngại khó trong hành trình đi tìm chữ thật, chữ đẹp.
Thay lời kết
Chúng tôi đã tạm xa những miền đất thiêng trong chuyến đi cuối tháng Tư nhiều kỷ niệm, nhưng bóng dáng của Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì vẫn như đang bước song song bên cạnh. Mỗi người một thời đại, một hoàn cảnh, nhưng đều có chung một điều: sống trọn vẹn với niềm tin, bằng tình yêu nước thương dân và để lại dấu ấn bằng tư cách kẻ sĩ.
Tôi trở về với trang viết, như vừa bước ra khỏi một cuộc đối thoại trầm sâu. Và tôi biết rằng, hành trình cầm bút phía trước sẽ không còn là việc "viết cho hay", mà là viết để giữ lửa, để trả ơn, để tiếp nối. Bởi trong lòng tôi – và tôi tin cả trong lòng những người bạn văn của mình – đã thấp thoáng ánh mắt các bậc tiền nhân, đang nhìn về phía chúng ta.
Mọi chi tiết đặt mua tạp chí Sông Lam số 53 (phát hành tháng 05/2025) xin liên hệ: chị Hồng Nga (đt: 02383.599698), chị Kiều Nga (0986.103528).
Bạn đọc có nhu cầu đặt mua tạp chí Sông Lam qua đường bưu điện, vui lòng đặt theo mã: B18.2.