- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Có nhất thiết phải “xài thuần Nam Bộ” thì mới gọi là truyện miền Tây?
Có nhất thiết phải “xài thuần Nam Bộ” thì mới gọi là truyện miền Tây?
KỲ 9
Thưa quý độc giả,
Trăm Ngàn – truyện ngắn gây chú ý của tác giả trẻ Ngô Tú Ngân – vẫn tiếp tục được “soi kỹ dưới kính lúp” bởi bạn đọc, giới phê bình, người viết, và cả những người chỉ… âm thầm gật đầu hay nhăn mặt khi đọc. Khen chê đủ chiều, nhưng có một điều không thể phủ nhận: tác phẩm này đã khiến nhiều người phải dừng lại đọc cho đến hết – và như thế là đã rất thành công rồi, phải không ạ?
Kỳ 9 này, Bàn tròn Văn học hân hạnh giới thiệu quan điểm của nhà thơ Hương Thu với một bài viết từ tốn, sắc sảo, và rất "người thật việc thật". Dưới góc nhìn của một người làm thơ nhưng không thiếu lý luận, bà đặt Trăm Ngàn vào những câu hỏi không dễ trả lời như:
- Có nhất thiết phải “xài thuần Nam Bộ” thì mới gọi là truyện miền Tây?
- Pha trộn giọng kể là dở hay là đúng tinh thần thời đại?
- Một truyện ngắn cần giữ căn cước hay đi tìm bản thể?
Gút lại, bài viết này thay vì soi đèn tìm lỗi, thì bật đèn để… nhìn với tâm thế bao dung, để nhìn xa và hiểu rộng hơn.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được tiếng nói từ bạn – dù là tiếng phàn nàn thở dài, cái gật đầu tâm đắc, hay cú "phản pháo" vì bất bình. Mọi ý kiến đều đáng trân trọng, miễn là người lên tiếng thật lòng và có tinh thần xây dựng. Bài viết xin gửi về địa chỉ: khoa7073@gmail.com.
Bàn tròn không có thành viên cố định. Ai cũng có thể kéo ghế ngồi vào – chỉ cần bạn không sợ mất lòng và vẫn tin văn chương còn điều để nói.
Trân trọng,
Nguyên Hùng – Cánh buồm thao thức
“TRĂM NGÀN” – HÀNH TRÌNH TRUY NGUYÊN BẢN THỂ GIỮA PHẾ TÍCH KÝ ỨC VÀ NỖI CÔ ĐƠN HIỆN SINH
Thường tôi ít khi xen vào những tranh luận không mấy liên quan, không phải tôi hững hờ với cuộc sống chung quanh, mà vốn tôi không có thời gian. Gần đây, truyện ngắn “Trăm ngàn” của cây bút trẻ Ngô Tú Ngân bỗng nổi lên như một “hiện tượng” đã làm tôi chú ý.
Nhiều ý kiến trái chiều, nhiều bài viết mổ xẻ, phân tích ... đa số là “chê” hơn “khen”. Người VN mình nói chung, và làng văn nói riêng có một đặc tính rất lạ, đó là cứ hễ có một bài thơ, hay một tác phẩm ... được giải là thi nhau “ đưa lên bàn mỗ”. Đó cũng là lý do nhiều người “không dám dự thi” bất kỳ cuộc thi văn chương nào, vì sợ “lỡ xui” trúng giải sẽ làm đề tài bàn tán của dư luận.
Tôi tìm đọc truyện ngắn “Trăm ngàn” để xem thực hư thế nào. Và cảm nhận đầu tiên: Tôi ủng hộ Ngô Tú Ngân. Khoan đã bàn đến việc những điều được và chưa được của truyện, chỉ đơn giản một điều tôi ủng hộ bạn ấy vì bạn ấy là một cây bút trẻ - là một thế hệ kế thừa trong tương lai – cần được nuôi dưỡng và khích lệ tinh thần không chỉ với một Ngô Tú Ngân – mà còn với nhiều Ngô Tú Ngân khác. Tôi nghĩ đơn giản thôi, liệu có còn một Ngô Tú Ngân nào dám dự thi nữa không khi họ nghĩ đến những “lời sát thương” đang chờ đợi họ nếu họ trúng giải?
Trở lại với truyện ngắn “Trăm Ngàn”. Trong hầu hết các bài phê bình, đều có một điểm chung: “Trăm Ngàn” không phản ánh được đặc thù văn hóa miền Tây Nam bộ.
Dưới góc nhìn đơn thuần của một độc giả, tôi xin được nêu cảm nhận của riêng tôi như sau:
1 “Trăm ngàn” là một truyện ngắn “vượt vùng” thay vì “thuần vùng”
Trước hết, cần xác định mục tiêu thẩm mỹ của truyện ngắn “Trăm Ngàn” không hoàn toàn nằm ở việc khắc họa đặc trưng vùng miền theo nghĩa hẹp. Dù truyện đặt bối cảnh ở một vùng quê phía Nam – có thể là miền Tây – nhưng Ngô Tú Ngân không chủ trương đi theo lối “tả thực vùng đất”, theo như cách Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc hay Nguyễn Ngọc Tư thường làm. Truyện hướng về biểu tượng bản thể hơn là tư liệu dân tộc học.
Nói cách khác, ngôn ngữ, phong tục, địa danh, giọng điệu... không nhất thiết phải là “thuần Nam Bộ”, mà chỉ cần đủ để tạo nên một bầu không khí miền – thứ “hơi đất” mơ hồ nhưng ám ảnh, gợi nhớ. Truyện dùng tiếng Việt trung tính, tiết chế tối đa khẩu ngữ địa phương – đây không phải là thiếu hụt, mà là sự lựa chọn thẩm mỹ nhằm nhấn mạnh tính phổ quát của thân phận hơn là tính địa phương học
2. Vấn đề “thiếu đặc sản Nam Bộ” – là điểm trừ hay là một lựa chọn chiến lược?
Một số độc giả mong muốn bắt gặp trong “Trăm Ngàn” những chi tiết đậm chất miền Tây như: Ngôn ngữ mang âm sắc Nam Bộ rõ nét, môi trường sông nước, chợ nổi, cây cầu khỉ, lũ lụt…, Các thiết chế văn hóa quen thuộc như đình làng, đờn ca tài tử, hò trên sông …
Tuy nhiên, theo tôi, đó là một chiến lược của Ngô Tú Ngân. Cây bút trẻ chủ đích muốn tránh rơi vào “chủ nghĩa đặc sản” – tức là tận dụng các biểu tượng đặc thù địa phương để tạo vẻ bản địa hóa một cách phổ thông. Ở đây, điều mà tác giả làm, chính là dụng tâm tạo ra một “miền quê mất tên” – một nỗi mất mát không chỉ của miền Tây, mà là của mọi miền đất đang bị đô thị hóa và lãng quên. Vì vậy, nếu chúng ta cứ khăng khăng đòi hỏi tính “đặc thù văn hóa miền”, chúng ta sẽ vô tình giới hạn khả năng biểu đạt của văn học, khiến một truyện ngắn mang tầm phổ quát bị ép khuôn vào tính dân tộc học địa phương.
Tuy nhiên, xét về một góc độ nào đó, sự đòi hỏi của độc giả cũng không phải là không có lý.
Nếu muốn “Trăm Ngàn” được định vị như một tiếng nói riêng của vùng đất Nam Bộ, thì rõ ràng nó chưa thật sự “neo đậu” vào những chất liệu đặc trưng của văn hóa này. Ví dụ: Giọng kể trong truyện thiên về văn phong trung tính, đậm chất Bắc Trung Bộ hoặc phổ thông, thiếu âm sắc “ngọt” của người miền Tây. Tâm lý nhân vật của “Trăm ngàn” thiên về nội chiếu, cô độc, suy tư triết học – gần với văn học đô thị hơn là tính cộng đồng, xuề xòa, hài hước, hào sảng vốn có của người dân miền sông nước.
Điều này không sai, nhưng cũng đặt ra câu hỏi: Liệu cái “Trăm Ngàn” mất là ký ức của riêng miền Tây, hay là ký ức Việt Nam nói chung? Nếu là ký ức Việt Nam nói chung, thì việc thiếu “chất Nam Bộ” không phải lỗi, mà là dụng ý.
Theo tôi, truyện ngắn “Trăm Ngàn” không đi theo lối kể tuyến tính. Ngô Tú Ngân vận dụng hình thức hồi cố, đan xen giữa hiện tại – quá khứ, mộng – thực một cách mềm mại, tựa như mạch nước ngầm tê buốt xuyên qua lớp đất thời gian. Nhân vật “tôi” – cũng chính là Trăm Ngàn – trở về sau nhiều năm lưu lạc, để tìm kiếm căn nhà xưa, dòng họ cũ, ngọn khói bếp chiều, và cả hình bóng người mẹ đã tan vào tro bụi.
Cấu trúc đứt đoạn ấy không đơn thuần là kỹ thuật kể chuyện. Đó là cách thức mà văn chương hậu hiện đại sử dụng để phản ánh một thế giới vốn đã tan vỡ, nơi con người chỉ còn có thể tìm lại chính mình qua những mảnh rời rạc ký ức. Trong “Trăm Ngàn”, không gian làng quê hiện ra như một thứ “biểu tượng suy tàn” – vừa thực, vừa siêu thực, vừa dân dã, vừa hoang tàn: làng xưa đã không còn, người làng không nhận ra Trăm Ngàn, nhà thờ họ bị đập bỏ để xây công trình du lịch…
“Trăm Ngàn” không đơn thuần là tên gọi. Đó là định danh của một thân phận – thân phận của những kẻ bị “trôi dạt” giữa đời sống, những kẻ không còn được đặt đúng vào vị trí cội nguồn. Nhân vật trở về quê, mang theo tâm thế của kẻ lưu lạc, nhưng bi kịch nằm ở chỗ: chính nơi chốn gọi là quê ấy lại trở thành cõi tha hương.
Ngô Tú Ngân đã khắc họa rất tinh tế một “nỗi đau bản thể”: khi ký ức không còn đất cắm rễ, con người rơi vào trạng thái vô định. Trăm Ngàn không chỉ mất quê – anh mất cả khả năng được thừa nhận trong ký ức của người khác. Ngay đến tên gọi – thứ tưởng như là dấu ấn căn cước – cũng trở thành một sự xa lạ. Đây là motif quen thuộc trong văn học hiện sinh, từng xuất hiện ở Camus hay Kafka, nhưng được Ngô Tú Ngân nội địa hóa bằng chất liệu Việt – làng quê, người mẹ, cây cầu gỗ, cái cối xay…
Một điểm mạnh đặc biệt trong “Trăm Ngàn” là ngôn ngữ. Văn của Ngô Tú Ngân không ồn ào, không tráng lệ, nhưng dường như mỗi câu, mỗi hình ảnh đều được mài giũa để gợi lên tầng nghĩa biểu tượng. Mỗi chi tiết – từ cái quán nước cũ, những chiếc chum vỡ, đến đàn kiến bò trên nền gạch – đều thấm đẫm tính gợi và ám dụ.
Giọng điệu buồn, hoài niệm mà không bi lụy; tiếc nuối mà không than vãn. Đó là cái buồn của một trí tuệ đã chạm đến giới hạn của tri nhận.
Dưới lớp vỏ cá nhân, “Trăm Ngàn” là tiếng nói nhắc nhở về sự mai một của ký ức cộng đồng. Khi một làng quê không còn nhớ nổi tên con cháu, khi nhà thờ tổ bị xóa khỏi bản đồ để nhường chỗ cho công trình hiện đại – đó không chỉ là bi kịch của cá nhân Trăm Ngàn, mà là bi kịch của cả một nền văn hóa đang đánh mất chính mình.
Cái tên “Trăm Ngàn” có thể hiểu theo nhiều cách: là đơn vị tiền – như một ám chỉ đến giá trị vật chất lấn át tâm linh; là số lượng vô định – như muôn vạn thân phận vô danh bị cuốn trôi trong guồng máy đô thị hóa; hoặc là một ẩn dụ thiêng liêng về những gì đang dần chìm khuất mà lẽ ra phải được gìn giữ.
Nếu nhìn văn học trẻ như một dòng chảy đang tìm hướng đi, thì “Trăm Ngàn” chính là minh chứng cho một dòng văn mới – không chạy theo thị hiếu nhất thời, mà đi sâu vào những câu hỏi muôn thuở: “Tôi là ai?”, “Tôi thuộc về đâu?”, và “Ai còn nhớ tôi không?”
Tuy nhiên, nếu tác giả muốn tiếp cận đại chúng hoặc xác lập căn cước miền – như một “văn học miền Tây mới” – thì việc gia cố chất Nam Bộ qua ngôn ngữ, tâm lý và không gian sẽ cần được xem xét nghiêm túc trong các tác phẩm sau.