- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Một góc nhìn có thể không thuận nhưng cần thiết
Một góc nhìn có thể không thuận nhưng cần thiết
KỲ 10
Bàn tròn Văn học kỳ 10 trở lại với một giọng nữ... không êm ái, thậm chí có phần khá gắt, nhưng đáng để đọc: TS. Hà Thanh Vân, người vẫn kiên trì với góc nhìn phân tích trên cơ sở một kiến văn đáng nể, và không né tránh các câu hỏi về chất lượng thực sự của một tác phẩm văn chương.
Với bài viết mang tiêu đề khơi gợi "Cái gì đây kỳ này? Về một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì của báo Văn nghệ", tác giả không chỉ ngầm đặt nghi vấn về cách chấm giải thưởng, mà còn mở rộng bình diện tiếp cận: người đọc ở đâu trong toàn bộ cuộc tranh luận văn học? Tác phẩm có thể hay với một nhóm, dở với nhóm khác – vậy chúng ta tiếp nhận như thế nào, và có đang áp đặt một thị hiếu chuẩn?
Dù bạn đồng tình hay bức xúc trước những nhận định của TS. Vân, thì bài viết này vẫn góp một điều đáng giá cho đời sống phê bình: nói rõ điều mình nghĩ, bảo vệ bằng lập luận, và chấp nhận đối thoại.
Mời bạn đọc bài viết này và chia sẻ suy nghĩ của mình cho chúng tôi theo địa chỉ: khoa7073@gmail.com
Bàn tròn Văn học luôn trân trọng sự khác biệt – vì khác biệt chính là điều làm nên sinh khí cho văn chương.
“CÁI GÌ ĐÂY KỲ NÀY”: VỀ MỘT TRUYỆN NGẮN VỪA ĐOẠT GIẢI NHÌ CỦA BÁO VĂN NGHỆ (PHẦN 3)
TS HÀ THANH VÂN
Bài viết sau đây là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không nhân danh cho ai hay cơ quan, tổ chức nào để viết. Tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều và không có ý định tranh luận lại.
Bài viết này nhằm để trả lời một số câu hỏi mà bạn bè ngoài giới văn chương hỏi tôi.
NHÀ VĂN KHÔNG ĐƠN ĐỘC MÀ NHÀ PHÊ BÌNH MỚI ĐƠN ĐỘC
Tôi không muốn viết tiếp để phản biện lại những vấn đề do một bài viết ẩn danh được cho là của nhà văn Uông Triều, mà tôi đã kiểm tra và có kết quả là bài viết đấy do AI viết. Chẳng lẽ tôi lại mất công phản biện với… trí tuệ nhân tạo?
Tuy nhiên, cái dở, yếu, kém của truyện ngắn “Trăm Ngàn” vẫn còn đó, rành rành ở những câu chữ. Do vậy tôi vẫn tiếp tục nói về truyện ngắn này ở phương diện nội dung và nghệ thuật cũng như cách độc giả tiếp nhận tác phẩm này. Tôi cũng không nói về tác giả trên phương diện cá nhân. Đối với tôi, điều quan trọng đối với người viết văn chính là tác phẩm. Tác phẩm là “căn cước văn chương” của họ. Còn chuyện họ có tấm căn cước đó như thế nào, vì sao được tôn vinh, khen ngợi bằng những lời có cánh, được một vài nhà văn bênh vực thì đó là chuyện cá nhân riêng tư giữa họ với nhau. Tôi không để cho những yếu tố đó ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về tác phẩm “Trăm Ngàn”.
Trong các cuộc gặp gỡ, hội thảo, giao lưu, một câu nói mà tôi thường nghe là các nhà văn hay nói rằng con đường sáng tạo của họ là con đường đơn độc. Nhưng từ kinh nghiệm của bản thân tôi, nhà văn không đơn độc, mà làm nhà phê bình (theo đúng khái niệm “nhà phê bình”) mới là đơn độc, nhất là khi ý kiến của mình có thể không “thuận” với một số người. Chính vì thế, tôi không có nhiều bạn bè trong giới văn chương và thậm chí có thể nói là rất ít. Tôi cũng chưa từng bao giờ nói với bạn bè văn chương của tôi về những câu chuyện xung quanh chuyện “phím nghiệp” của mình. Bởi vì tôi hiểu rõ và sâu sắc rằng những quan điểm cá nhân của mình chỉ thuần túy là ý kiến chuyên môn và tôi luôn đề nghị các bạn bè văn chương của tôi nên… tránh xa những chuyện “phím nghiệp” này của tôi. Mỗi người trong số chúng ta đều đã phải gánh một “thập tự giá” của đời mình rồi. Hãy nghĩ cho nhau và hãy tự giải quyết “thập tự giá” của đời mình thôi.
Văn chương đã từng là một trong những niềm vui, là sở thích của tôi từ khi còn rất nhỏ. Chỉ là bây giờ niềm vui ấy không còn vẻ thuần khiết, lấp lánh như ban đầu. Nó như một món trang sức mạ vàng bóng bẩy, theo thời gian thì bong tróc và lộ dần ra lớp kim loại xấu xí bên trong. Nhưng chính vì cái vẻ bóng bẩy đấy, có biết bao nhiêu người vẫn lao vào như thiêu thân, thậm chí bằng mọi giá và phải trả giá. Thậm chí văn chương còn khiến cho có những người tin rằng nó không chỉ giúp họ mưu sinh, mà còn mang lại cho họ một thứ quyền lực, thậm chí là thứ quyền lực chi phối một số người khác dưới danh xưng đệ tử, học trò.... Cũng không thiếu người nhờ văn chương mà họ từ một người vô danh (dù có thể có tiền của), nay được nhắc tên trên báo chí, được nhận những lời khen. Vầng hào quang ấy, dù là thật hay là ảo, đều dễ gây nghiện. Mà đã nghiện rồi thì đó là một thứ m.a t.úy khó bỏ và họ sẽ làm mọi cách để duy trì nguồn m.a t.úy đó. Nhưng đó đều là chuyện cá nhân và giữa những cá nhân với nhau. Ngoài kia thì mặt trời vẫn mọc, sóng biển vẫn vỗ bờ, và tôi, một kẻ mỗi khi buồn chán thì lại đi tìm vui bằng vài lời “phím nghiệp” trên mạng rồi sau đó bỏ đi chơi, lúc ấy tôi không còn là nhà phê bình nữa, tôi là một du nữ!
“TRĂM NGÀN” CỦA NGÔ TÚ NGÂN, TRĂM NGÀN CÁCH ĐỌC NHƯNG CÁCH ĐỌC NÀO NHIỀU NHẤT?
Để trả lời câu hỏi này, trên VNExpress đã có một cuộc thăm dò ý kiến về truyện ngắn “Trăm Ngàn” của Ngô Tú Ngân, đến thời điểm này (10h30 ngày 28.7.2025) có kết quả như ảnh sau đây.
Ở đây, tôi phải nói về lý thuyết tiếp nhận văn học, hay mỹ học tiếp nhận, để lý giải xung quanh kết quả này.
Lý thuyết tiếp nhận – hay còn gọi là mỹ học tiếp nhận – là hướng nghiên cứu văn học tập trung vào mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc. Trường phái này nổi bật tại Đức với Hans Robert Jauss và Wolfgang Iser, và tại Mỹ với các nhà nghiên cứu như Stanley Fish hay Louise Rosenblatt.
Khác với các hướng phê bình truyền thống vốn đặt nặng tiểu sử nhà văn hay hoàn cảnh lịch sử, lý thuyết tiếp nhận xem người đọc là chủ thể trung tâm trong việc kiến tạo ý nghĩa tác phẩm. Đọc không còn là hành vi tiếp thu thụ động, mà là một quá trình tương tác – nơi mỗi độc giả, tùy vào vốn sống, cảm xúc, tri thức, giới tính, tuổi tác, đều tạo ra một “phiên bản” đọc riêng biệt.
Wolfgang Iser nhấn mạnh rằng tác phẩm chỉ thực sự “sống” khi được người đọc kích hoạt thông qua hoạt động tưởng tượng và đối thoại. Vì thế, có bao nhiêu người đọc, sẽ có bấy nhiêu cách hiểu. Một tác phẩm văn học không thể (và không nên) có một “nghĩa đúng duy nhất”. Độc giả đọc để giải trí, để tìm hiểu, để suy ngẫm, để phản biện – và mọi hình thức phản ứng đều có lý do tồn tại.
Tất nhiên, không phải mọi phản hồi đều sâu sắc như nhau. Có tiếp nhận thông minh, có tiếp nhận hời hợt, có tiếp nhận thuận chiều, có tiếp nhận kháng cự. Nhưng chính sự đa dạng ấy là một phần không thể thiếu của đời sống văn chương – nơi độc giả không chỉ thụ hưởng mà còn góp phần làm nên giá trị của tác phẩm [Phần này chúng tôi xin phép tác giả tóm tắt – Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo nội dung đấy đủ ở file đính kèm dưới đây].
LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT CÔNG CỤ ĐỂ ĐO LƯỜNG THỊ HIẾU, THẨM MỸ CỦA CÔNG CHÚNG THÔNG QUA TRƯỜNG HỢP TRUYỆN NGẮN “TRĂM NGÀN”
Nghiên cứu về sự phản hồi của người đọc, chúng ta không chỉ nhận ra “tầm đón nhận” riêng của mỗi người đọc mà còn nhận ra những “định kiến” văn chương “ám ảnh” độc giả qua nhiều giai đoạn lịch sử. Và chính những “định kiến” này có phần do các nhà nghiên cứu, phê bình góp phần tạo dựng, từ đó trở thành khuôn mẫu, thị hiếu của người đọc. Tác phẩm văn chương ra đời gây tranh cãi là chuyện thường tình. Nhiều khi chính sự tranh cãi đó lại khiến cho tác phẩm nổi tiếng hơn, tác giả được công chúng biết đến nhiều hơn. Đặc biệt tôi cho rằng lý luận văn học Việt Nam trong một thời gian dài đã “cào bằng” trình độ hay tầm đón nhận của người đọc, hướng văn học đến phục vụ số đông quần chúng, trong khi thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng có rất nhiều loại độc giả khác nhau trong văn học với những trình độ khác nhau, điều mà chúng ta hay tránh né.
Cách nhanh nhất và có vẻ dễ nhận thấy nhất khi thẩm định một tác phẩm văn chương là: Xem ý kiến của số đông và xem ý kiến của những nhà chuyên môn. Trong trường hợp ý kiến của số đông là chê, ý kiến của đa số nhà chuyên môn vẫn là chê thì tác phẩm này quả là có vấn đề. Khi mà “tầm đón nhận” và “phê bình phản hồi” của nhiều độc giả khác nhau, đến từ nhiều tầng lớp trong xã hội, làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau… đều thống nhất chê tác phẩm là dở, thì đây không chỉ là chuyện cảm nhận riêng của từng cá nhân độc giả, mà đây là một hiện tượng xã hội học văn học, qua đó có thể thấy được nhiều điều. Thế nên việc lắng nghe dư luận xã hội xung quanh một tác phẩm văn học nghệ thuật là hết sức quan trọng và cần thiết. Cuộc khảo sát mang tính xã hội học văn học xung quanh truyện ngắn “Trăm Ngàn” là câu trả lời rõ nét nhất. Một tác phẩm mà số người chê nhiều hơn hẳn số người khen, đó là một lời khẳng định! Trong lý thuyết tiếp nhận, điều tra xã hội học về tác phẩm và dư luận của công chúng là một khâu hết sức quan trọng.
Theo quan điểm của lý thuyết tiếp nhận, những người làm lý luận phê bình chính là những công chúng tinh hoa. Do vậy nhiệm vụ của họ vừa vẻ vang nhưng lại vừa nặng nề. Họ phải là những người cầm cân nảy mực để định hướng cho đông đảo công chúng bằng quan điểm, lý lẽ của mình. Công chúng khi tiếp nhận một tác phẩm, chỉ đơn thuần khen hay hoặc chê dở, nhưng nhiệm vụ của người làm lý luận phê bình là phải chỉ ra được tác phẩm hay như thế nào, dở như thế nào và tại sao tác phẩm lại hay hoặc dở.
Như trên đã nói theo lý thuyết tiếp nhận văn học thì trong đời sống văn học nói chung, có hai kiểu người đọc: Thứ nhất là người đọc bình thường, bao gồm tất cả công chúng thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần và địa vị xã hội, thị hiếu thẩm mỹ, khuynh hướng tư tưởng. Thứ hai, là người đọc đặc biệt, có sự tiếp nhận khác biệt người đọc bình thường ở tính chất nghề nghiệp và trình độ chuyên sâu, họ bao gồm nhà văn và nhà phê bình.
Nhà văn vừa là người sáng tạo, vừa là người đọc thực tế, sự tiếp nhận của nhà văn thường gắn liền với nhu cầu tìm tòi những khía cạnh tư duy nghệ thuật mới, sự phân tích có tính chất nghề nghiệp, kỹ thuật, ở cấp độ cá nhân. Còn nhà phê bình đại diện cho các nhu cầu xã hội, thẩm mỹ của người đọc để tiếp nhận tác phẩm; đó là ý thức về văn học trên cấp độ xã hội, xuất phát từ những lập trường xã hội, thẩm mỹ nhất định, từ nhu cầu phát triển những trào lưu văn học nhất định.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa tiếp nhận văn học của nhà văn và nhà phê bình chỉ mang tính chất tương đối. Cái chính là hoạt động tiếp nhận của nhà văn và nhà phê bình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển năng lực tiếp nhận của người đọc nói chung và cũng phô bày ra trình độ, tư duy, nhận thức của họ. Thông qua những trao đổi về truyện ngắn “Trăm Ngàn”, chúng ta dễ dàng nhận ra “tầm đón nhận” của mỗi người đọc.
Ảnh ngoài lề Bàn tròn Văn học
TS. Hà Thanh Vân vừa nhận Chứng chỉ khóa học tại Hội đồng Lý luận Trung ương, chiều 28/7/2025
(Loạt bài này, tác giả viết vụng trong lúc dự khóa học)