- Ngôn ngữ-Lý luận - Phê bình
- Một truyện ngắn trung bình với những tín hiệu tích cực đáng mong chờ
Một truyện ngắn trung bình với những tín hiệu tích cực đáng mong chờ
KỲ 8
Thưa quý độc giả,
Bàn tròn Văn học kính mời quý vị tiếp tục tham gia thảo luận về truyện ngắn “Trăm Ngàn” của tác giả trẻ Ngô Tú Ngân – tác phẩm đã giành Giải Nhì Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2023-2024, và cũng là đề tài gây nhiều tranh luận thú vị trong thời gian qua.
Kỳ 8 này, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết khá công phu của tác giả SƠN HÀ – “một giáo viên dạy văn bình thường” đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn nặng lòng với văn chương và nghề dạy học. Bài viết không chỉ thể hiện góc nhìn nghiêm túc, khách quan mà còn mang tinh thần đối thoại văn hóa rất đáng trân trọng.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến chia sẻ của quý độc giả, với một số gợi ý như sau:
- Bạn nghĩ gì về giải thưởng dành cho “Trăm Ngàn”?
- Theo bạn, đâu là điểm sáng và đâu là điểm trừ khiến tác phẩm này trở nên đáng nhớ?
- Một truyện ngắn hay, theo bạn, cần hội đủ những yếu tố gì?
Mọi bài viết, phản hồi hoặc ý kiến ngắn, xin gửi về địa chỉ: khoa7073@gmail.com.
Bàn tròn Văn học luôn trân trọng những góc nhìn đa chiều – càng thẳng thắn càng tốt – miễn là được thể hiện trong tinh thần tôn trọng và xây dựng, nhất là tránh làm tổn thương tác giả trẻ xinh đẹp.
Chúng tôi cũng rất mong đón nhận sự góp tiếng từ các nhà lý luận – phê bình chuyên nghiệp – những người mà giới viết văn thường đùa rằng “chỉ viết cho bạn bè” và “rất ngại va chạm”.
Trân trọng,
Nguyên Hùng – Cánh buồm thao thức
Truyện ngắn "Trăm Ngàn" – Một truyện ngắn trung bình với những "tín hiệu tích cực" đáng mong chờ
Tác giả: SƠN HÀ
1. Truyện ngắn "Trăm Ngàn" thuộc loại hình nào?
Là một giáo viên dạy văn bình thường, tôi chỉ theo dõi cuộc tranh luận về giải nhì của truyện ngắn này mà không muốn bày tỏ ý kiến cá nhân. Tôi chỉ phân tích và đánh giá tác phẩm dựa trên cảm nhận của mình, không đứng về phe nào trong cuộc tranh cãi đang diễn ra.
Trước hết, đây là tác phẩm của một tác giả trẻ cần được khích lệ. Tuy nhiên, đọc tác phẩm này khá mệt mỏi, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tại sao lại như vậy? Liệu khó đọc có phải là một lỗi hay do tôi không theo kịp cách viết của giới trẻ? Tôi đã cố gắng đọc kỹ để tự trả lời những câu hỏi này.
Chúng ta đều biết có nhiều cách phân loại truyện ngắn. Mỗi loại hình có đặc trưng và bút pháp riêng. Nếu đặc trưng A mà dùng bút pháp B thì sẽ tạo ra sự vênh lệch...
Nếu xét theo tiêu chí cốt truyện, có thể chia thành hai loại:
- Loại có cốt truyện rõ ràng: với xung đột kịch tính, tình huống gay cấn, sự kiện li kỳ.
- Loại không có cốt truyện (hoặc cốt truyện mờ nhạt): tập trung vào diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Nội tâm nhân vật là trọng tâm (ví dụ: Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu).
Theo tiêu chí này, Trăm Ngàn thuộc loại thứ hai. Tuy nhiên, đời sống nội tâm của nhân vật Trăm Ngàn chưa được khắc họa sâu sắc và tinh tế. Tác giả chủ yếu sử dụng lời gián tiếp – lời trần thuật từ người kể chuyện – khiến tâm trạng nhân vật thiếu sống động và chiều sâu: "Nó ban đầu không tin... Nó thèm khát tình cảm như cơn nắng hạn chờ mưa đầu mùa..." .
Một cách phân loại khác chia truyện ngắn thành:
- Truyện ngắn kịch hóa
- Truyện ngắn tiểu thuyết hóa
- Truyện ngắn sử thi hóa
- Truyện ngắn trữ tình hóa: Các xung đột gay cấn, hành động dữ dội được làm mờ đi, thay vào đó là sự tập trung vào thế giới tâm hồn nhân vật.
Theo tiêu chí này, Trăm Ngàn thuộc loại truyện ngắn trữ tình hóa (tương tự Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long). Tuy nhiên, chất trữ tình trong tác phẩm chưa đủ sức lay động, gây cảm giác hụt hẫng.
2.1. Chất liệu hiện thực giàu có nhưng chưa được khai thác triệt để
Truyện ngắn Trăm Ngàn có nhiều "dư địa" để chuyển chất liệu hiện thực phong phú thành một câu chuyện trữ tình đầy kịch tính. Đáng tiếc, tác giả viết quá "hồn nhiên", khiến tác phẩm có cảm giác "nhạt nhòa".
Nhiều tình huống giàu kịch tính bị lướt qua:
- Người phụ nữ bế đứa bé đỏ hỏn trả bà Hội.
- Thằng Trăm Ngàn mót lúa bán để dành tiền cưới con Diễm.
- Thằng Tài trộm tiền ngang nhiên, Trăm Ngàn đánh nó và bị đuổi khỏi nhà...
Nếu bỏ qua những chất liệu hiện thực "màu mỡ" này, tác giả cần bù lại bằng cách khắc họa sâu sắc diễn biến tâm trạng nhân vật qua ba phương diện:
- Độc thoại
- Đối thoại trực tiếp
- Hành động của nhân vật
Nhưng không, tác giả vẫn chỉ sử dụng lời gián tiếp – lời trần thuật của người kể chuyện – với giọng điệu "mưa dầm rì rầm". Sự đơn điệu này khiến tác phẩm mất đi sức hút.
2.2. Ngôn từ: Có những đoạn giàu cảm xúc nhưng vẫn còn "sạn"
- "Đoàn hát dựng mấy cái lều cao su tạm trên doi đất đầu sông Đèn Dầu..." – Cụm từ "lều cao su" dùng có chính xác không?
- "Thằng Trăm Ngàn nằm nhắm mắt nghe mưa nhỏ tọt tọt trên mái cao su..." – Từ "tọt tọt" dùng rất hay!
- "Miền Tây mùa hạ nắng gay gắt... rơm rạ quàng xiên vào nhau, rối như tóc người điên..." – Hình ảnh so sánh đặc sắc!
- "Nắng mưa nối nhau... thằng Trăm Ngàn cũng đọc viết ron rót..." – Từ "ron rót" vừa gợi cảm, vừa gợi hình.
- "Nó không nỡ xa nơi này, dù những năm tháng ở đất này, nó nếm trải toàn mặn chát tình người..." – Lặp lại từ "này" hai lần cho thấy sự "lười" của tác giả. Từ "mặn chát" trong ngữ cảnh này đã chính xác chưa?
2.3. Một số tình huống, chi tiết thiếu logic
- Sau khi Trăm Ngàn bị ung thư, vẫn "cười hề hả": "Cái số tôi vậy mà sướng, không bị đày ải lâu nữa...". Từ chi tiết này, một kết quả kỳ diệu xuất hiện – khó tin:
- Ông Bình đột nhiên thông suốt: "Chuyện giận hờn thù ghét dừng lại từ đây".
- "Cả đoàn như tỉnh ra, như những con chim được tháo cũi, thoát khỏi chiếc lồng thù hận, từ nay cho phép mình bay trên đôi cánh không hận đời, ghét người...".
Văn chương trước khi hay phải đúng đã. Đây không phải là truyện kỳ ảo. Dù hư cấu bay bổng đến đâu, vẫn cần một sợi dây logic nối với mảnh đất hiện thực.
- Khi nhân vật Trăm Ngàn bị ung thư và đòi về quê, đoàn hát "hân hoan đưa Trăm Ngàn về quê, như tiễn một người thân thuộc cho trọn tình vẹn nghĩa...". Trong hoàn cảnh này, tôi không thể nào "hân hoan" được!
3. Bối cảnh văn hóa miền Tây chưa được khai thác sâu
Là một truyện ngắn hiện thực truyền thống, tác giả chưa thực sự quan tâm đến bối cảnh văn hóa miền Tây thời kỳ các gánh hát rong ruổi khắp miền sông nước (điểm yếu này đã được nhiều người nhắc đến, tôi đồng ý và không bàn thêm).
4. Kết truyện lạ: Tưởng "không ăn nhập" mà lại hay
Toàn bộ tác phẩm là chất văn xuôi "xù xì thô nhám", nhưng kết truyện lại mang màu sắc kỳ ảo. Có phải "đầu một đằng, chân một nẻo" không?
- Trăm Ngàn về quê trên con đò, gặp ông lái đò là Hắc Bạch Vô Thường.
- Mẹ của Trăm Ngàn cũng đang đi tìm con.
- Trăm Ngàn thấy mình là đứa bé được mẹ cho bú.
- Người khách đi cùng lại được sinh ra cùng mình...
Nghe có vẻ vô lý? Không hẳn. Nếu đặt mình vào nhân vật Trăm Ngàn trong những giây phút cuối đời, ta có thể hình dung đây là những ảo ảnh "cận tử" – phóng chiếu từ giấc mơ đau đớn của nhân vật.
5. Thông điệp của tác phẩm là gì?
Qua câu chuyện buồn này, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì? Câu hỏi này tôi xin chịu, không trả lời được!
Dù sao, đây là tác phẩm của một cây bút trẻ có năng khiếu và hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Tác giả không có lỗi khi được trao giải, lại còn chịu nhiều tranh cãi. Nếu truyện chưa đạt tầm mà vẫn đoạt giải, đó đâu phải lỗi của tác giả?
Chỉ mong mọi người tranh luận một cách văn hóa. Nếu đối thoại bằng lời lẽ mạt sát, chúng ta chỉ đang tự biếm họa chính mình.
Đây là trao đổi mang tính cá nhân, phân tích chân thành và xây dựng, không nhằm mục đích nào khác. Tôi vẫn tin Ngô Tú Ngân sẽ thành công trong tương lai.