TIN TỨC
icon bar

Truyện ngắn “Trăm Ngàn”: Kẻ khen người chê, nghĩa là văn chương còn sống!

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-27 18:33:30
mail facebook google pos stwis
271 lượt xem

 

KỲ 7

(Mời click vào avatar trên đây để truy cập thư mục)

Sau những nhận định, tranh luận mang tính học thuật trong kỳ 6, Bàn tròn Văn học kỳ này xin giới thiệu hai status - hai góc nhìn mới: một người khen ngợi chân thành, một người phản biện chi tiết và không ngại “nói thẳng”. Tác phẩm “Trăm Ngàn” của Ngô Tú Ngân, dù được khen hay bị chê, có lẽ đều là điều mà các tác giả đều chờ đợi mỗi  khi tác phẩm được trình làng. Vì nó đã làm được một việc là khiến văn đàn không thờ ơ, ghẻ lạnh, mà có nhiều đồng nghiệp cùng bạn đọc phải lên tiếng luận bàn.

Và bàn tròn – vẫn tiếp tục xoay…




Nhà văn CAO CHIẾN

Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn TP.HCM
 


Tôi thấy các vị giám khảo đã soi rất kỹ truyện ngắn Trăm Ngàn của tác giả Ngô Tú Ngân. Các vị phản biện cũng soi, nhưng có vẻ dưới trình các giám khảo.

Trăm Ngàn là một truyện ngắn tốt. Đời như một gánh hát, ở đó ai cũng có vai, cũng mơ, cũng kiếm tìm và hy vọng. Còn gì hơn là được sống và chết trên quê hương, giữa những vòng tay ôm.

Tôi rất ấn tượng với chi tiết: mọi người bỏ theo cho Trăm Ngàn bộ đồ diễn tướng quân, với mong ước kiếp sau anh được tròn nguyện, có một cuộc đời hiển hách. Và cái kết – chiếc xuồng đi ngang cây me nhỏ bên cầu, gió trút lá rơi như tiễn đưa kiếp người về đất – thật nhân văn, lắng đọng.

Chúc mừng bạn Ngô Tú Ngân!

 

Cô giáo PHÙNG HẠ NGUYÊN

Giáo viên trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TPHCM
 


 

Mấy hôm nay văn giới xôn xao về chất lượng truyện ngắn "Trăm ngàn" của tác giả Ngô Tú Ngân, được giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ 2022-2024. Hôm qua mình đã đọc truyện ngắn này và đồng tình với nhiều ý kiến lấy làm khó hiểu về chất lượng của truyện, từ ngôn ngữ kể chuyện tới cốt truyện, chủ đề... của các nhà văn, nhà phê bình trong friend list của mình.

Lạ lùng làm sao, một tác phẩm được đánh giá cao bởi một Ban Giám khảo uy tín, lại ngọng nghịu và nhạt nhòa đến khó tin.

Những hạn chế mà những người khác đã nêu, mình không nhắc lại. Nhưng bản thân là một người đọc thường chú trọng các tiểu tiết, mình rất lấy làm thắc mắc về các chi tiết sau trong truyện ngắn này:

- Nhân vật Trăm Ngàn là đứa con hoang của một cặp trai gái con nhà quyền thế, nhưng đến ngày cô gái sinh con ra, nhà gái, rất có thế lực, mang đứa trẻ sơ sinh sang vứt trả cho nhà trai - một gia đình phú hộ, rồi tuyên bố nhà trai không có cửa lấy con gái họ. Một tình huống rất phi logic trong một xã hội vốn trọng nam khinh nữ, thường xem việc người đàn bà có thai trước khi cưới là chuyện "yếu thế", phải "nhún nhường" trước nhà trai như xã hội Việt Nam.

- Suốt thời thơ ấu, Trăm Ngàn sống như đứa ở đợ trong nhà mình, bị cha và bà nội hắt hủi, thường xuyên bị hành hạ, bởi cha Trăm Ngàn đã có gia đình, lấy vợ sinh con. Tóm lại là Trăm Ngàn chẳng khác chi con Tấm phiên bản nam, chỉ khác là Tấm bị dì ghẻ ức hiếp, còn Trăm Ngàn bị chính cha ruột mình ruồng rẫy. Kiểu xây dựng tình tiết phi logic này chỉ còn thấy trong các tiểu thuyết ngôn tình tàn tâm ngược luyến và web drama cố tình ức chết người xem.

- Phần lớn nội dung truyện kể về giai đoạn tuổi trung niên của nhân vật Trăm Ngàn, nhưng người kể chuyện ngôi thứ ba lại gọi nhân vật bằng đại từ "nó" - cách gọi rất lạ lùng ít thấy trong thể loại truyện. Một khi nhân vật nam là người trưởng thành, người kể chuyện phải gọi nhân vật bằng các đại từ như "anh", "hắn", "gã"... hoặc gọi tên nhân vật - tùy theo thái độ của người kể với nhân vật. Đại từ "nó" chỉ dùng để gọi các nhân vật thiếu nhi, thiếu niên mà thôi. Có lẽ vì cách gọi lạ lùng này mà nhân vật Trăm Ngàn trong truyện cũng chỉ có tâm lý của một cậu trai vị thành niên, quẩn quanh mãi trong ẩn ức lạc mẹ, mất người yêu. Dù đã ngoài năm mươi nhưng đi tới xóm làng nào, Trăm Ngàn cũng đi từ đầu xóm tới cuối xóm tìm mẹ - dù ngay từ đầu truyện thân thế mẹ Trăm Ngàn đã được nói rõ là con nhà giàu ở làng bên, sau khi sinh con đã bỏ xứ đi du học.

- Sau khi mất người yêu tên Diễm, Trăm Ngàn phẫn chí bỏ nhà theo gánh cải lương (làm như ở miền Tây khi chán đời chỉ còn có mỗi đoàn cải lương là điểm đến). Tuy nhiên, sau nhiều năm tháng đổi dời, đoàn cải lương Trăm Ngàn đi theo tự dưng bỗng trở thành gánh hát loto. Ở Nam bộ, việc các gánh hát loto có những tiết mục cải lương để phục vụ người xem là chuyện phổ biến. Nhưng việc một gánh cải lương quy củ (bộc lộ qua chi tiết Trăm Ngàn kém sắc nên dù hát hay cũng không thể làm kép chánh) sa sút đến mức chuyển thành đoàn loto là một chi tiết cần phải xem lại tính xác thực. Bởi cải lương Nam bộ là một loại hình sân khấu hàn lâm, các nghệ sĩ được đào tạo bài bản, luyện tập công phu với một lòng thờ Tổ, kính nghề sâu sắc. Trong khi đó, loto là loại hình sân khấu dân gian, đậm tính giải trí, kinh doanh. Liệu những đào hát, kép hát chân chính có vì dòng đời đưa đẩy mà biến những câu hát vàng son thành những lời rao vần vè với từng con số, con số gì ra con số gì ra hay không? Dẫu nhiều khi bị người đời miệt thị "con hát", nhưng "con hát" ít khi nào tự biến mình thành "con buôn"!

Truyện ngắn là một thể loại tự sự hư cấu có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, sự hư cấu của văn chương phải đáp ứng chặt chẽ logic xây dựng bối cảnh nghệ thuật, văn hóa của tác phẩm. "Trăm Ngàn" còn là một truyện ngắn theo phong cách hiện thực, nhưng cách xây dựng tình huống truyện, xây dựng nhân vật và các chi tiết, tình tiết đều rất phi hiện thực.

Việc một giải thưởng uy tín công nhận những tác phẩm như thế này dễ tạo ra một lớp người viết dễ dãi, cho rằng tác phẩm văn học chỉ là sản phẩm của sự hư cấu, vài ba tình cảm sến súa, ủy mị, hoàn toàn không kết tinh từ trí tuệ và sự lao động, học tập nghiêm túc.


Nhà văn HỘI AN


Tôi đồng tình với ý kiến của cô giáo Phùng Hạ Nguyên về những phi logic trong truyện ngắn Trăm Ngàn. Xin được bổ sung thêm hai điểm vô lý nữa:

Thứ nhất, trong truyền thống gia đình người Việt, chỉ có dì ghẻ, cha dượng mới thường bị gán vào mô-típ hắt hủi, hành hạ con riêng của chồng/vợ. Hiếm thấy trường hợp cả cha ruột và bà nội lại cùng ghét bỏ, ruồng rẫy một đứa bé – vốn chỉ thiếu hơi ấm của người mẹ – như trong truyện này.

Thứ hai, người mẹ trong truyện đã từng dứt áo bỏ con ngay từ khi mới sinh, không một lần ăn năn hay quay lại, thì giữa họ còn điều gì để đứa con phải lặn lội đi tìm suốt đời? Tất nhiên, văn học có thể viết về những ngoại lệ – nhưng nếu vậy, người viết cần có kiến giải, dẫn dắt đủ sức thuyết phục để bạn đọc chấp nhận.

Còn nếu đọc mà chỉ thấy “trớt quớt” thì… không thể gọi là truyện hay được.

Ghi chú: Ý kiến của nhà văn Hội An được Bàn tròn cập nhật bổ sung vì có liên quan đến ý kiến của cô giáo cô giáo Phùng Hạ Nguyên.
 

Rất mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết, ý kiến phản biện hoặc góc nhìn học thuật liên quan đến truyện ngắn Trăm Ngàn cũng như các vấn đề văn học khác theo địa chỉ email: khoa7073@gmail.comChúng tôi sẽ ưu tiên chọn đăng trên Văn chương TP. Hồ Chí Minh những bài viết có tinh thần xây dựng, tên tuổi rõ ràng và có giá trị học thuật.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăm ngàn… câu hỏi sau một truyện ngắn
Chuyên mục Bàn tròn Văn học kỳ này trân trọng giới thiệu những ý kiến chọn lọc từ những người làm công tác chữ nghĩa hoặc yêu chữ nghĩa để cùng góp phần “làm tròn” hơn nhiệm vụ của một cuộc đối thoại văn chương chân thành.
Xem thêm
"Nhà là nơi có tình thương”
Bài viết được chia sẻ trên Facebook cá nhân của nhà thơ Lê Gia Hoài.
Xem thêm
Lạc giữa truyện ngắn “Trăm Ngàn”
Đọc truyện ngắn Trăm Ngàn, chúng ta luôn có một trạng thái bất an. Cứ phải véo vào tay xem mình có còn tĩnh trí nữa không, bởi ta có cảm giác như đang bị lạc trôi – lạc về địa lý, lạc về vùng miền, lạc về thời đại.
Xem thêm
Trăm ngàn câu chữ – trăm ngàn cách đọc
Một bài viết phản biển ý kiến của TS Hà Thanh Vân về truyện ngắn Trăm Ngàn.
Xem thêm
Hốc chọ - Trường ca thấm đẫm hồn quê xứ Nghệ
Nguồn: Nghệ An Cuối Tuần, số 15/6/2025.
Xem thêm
Những vết thương không khép – Một góc nhìn từ “Dọc đường máu”
Thơ Vương Cường không chỉ là hồi ức, mà còn là lời nhắc nhớ, để chúng ta không quên những trang sử bi tráng của dân tộc. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu chùm 5 bài thơ rút từ tác phẩm này.
Xem thêm
Luẩn quẩn giữa yêu và đau
Anh nói về niềm tin, em nói về hoài nghi/ hai phía nối dài trên định mệnh ta đi
Xem thêm
Vũ Quần Phương với thơ hay
Trong số những nhà thơ kể trên, thì Vũ Quần Phương là người viết nhiều lời bình hơn cả, ở đây có bình tác giả, bình tập thơ và đặc biệt là bình các bài thơ hay, như là một đơn vị cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng thơ.
Xem thêm
Một phía của đời - Giữa hữu hạn và vô hạn
Về tập thơ Một Phía của Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Đặc sắc của Khuất Quang Thụy
Bài viết của Nguyên An và thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
Một phía nhìn từ nhiều phía
Vừa mới sáng nay, tôi tình cờ đọc được bài viết “Một phía nhìn từ nhiều phía” của Dương Kỳ Anh trên website báo Văn nghệ Công an, thì cách đây chục phút lại đọc được tin dữ qua FB nhà thơ Hữu Việt về sự qua đời thật đột ngột của nhà thơ, cựu TBT báo Tiền Phong.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Tấn Phát - người tìm lại tình đời
Bài viết về tiểu thuyết “Hoàng hôn lóng lánh”
Xem thêm