TIN TỨC
icon bar

Chú Năng... | Hồi ức của Thường Kha

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-05-02 06:34:58
mail facebook google pos stwis
247 lượt xem

CHÚ NĂNG

(1/5/2025 – THƯỜNG KHA)

Tôi đã thực sự không nhớ rõ, vì sao tôi lại quen biết ông?
Giờ thì cũng chẳng cần thiết phải nhớ vì sao quen biết nữa. Chỉ cần nhớ những điều nên nhớ – về một ai đó mà ta đã từng thân quen, quý mến và kính trọng – thế là đủ!
Phải không, chú Năng ơi?

Tôi nhớ hồi ấy, vào quãng thời gian từ 2005 đến 2015, hầu như tháng nào mấy chú cháu, anh em cũng ngồi với nhau 1–2 buổi. Nhóm của chú Năng khi đó luôn đủ 4 người: chú Năng, chú Nguyễn Long – cũng là người làm thơ, kiến trúc sư; thầy Tùng (ĐHV), và họa sĩ Tạ Tâm. Các chú tự đặt tên nhóm là “Nhóm già hư hỏng”. Nghe thế đã thấy vui rồi, phải không? Mà quả thực, nhóm già ấy lúc nào cũng hào sảng, vô tư, vui vẻ...

Chú Năng không phải người hay nói, nhưng rất hóm hỉnh. Chú Long thì có một câu cửa miệng ấn tượng: mỗi lần bị “góp ý”, chú sẽ buông ngay: “Kệ bố tôi!” – rồi giả vờ ngúng nguẩy, hờn dỗi… đáng yêu lắm cơ! Câu nói ấy lần nào cũng khiến cả bàn bật cười.
Thầy Tùng thì rất khí khái… nhưng hơi điệu – lúc nào cũng là người chải chuốt nhất nhóm.
Còn anh Tạ Tâm thì có kiểu ngơ ngác ngây thơ rất riêng, dù rằng anh là hậu duệ của người Do Thái!

Hầu chuyện các chú khi đó có tôi, có mẹ con Hồng, đôi khi có cả mẹ con Hà. Có khi thầy Tùng còn dẫn cả học trò đến.
Các chú thích ngồi những quán nhỏ quanh khu Cổng Thành – lúc thì nhâm nhi bia, lúc thì rượu. Sau này nghĩ lại, tôi mới nhận ra: rượu chỉ là cái cớ… cái chính là để mấy ông bạn già có dịp gặp nhau, hỏi han nhau, và chọc nhau cười.
Ôi, những người năm cũ ấy – họ thương nhau biết bao nhiêu!

Hồi chú Năng và mự Huệ còn ở ngôi nhà gần ngã tư ga Vinh, lâu lâu tôi lại phóng xe máy đến chơi – khi thì chén trà, lúc thì ly rượu – cùng chú và mấy người bạn thơ già của chú. Có lần tôi còn vô tư ngồi lại ăn cơm nhà chú nữa! Mự Huệ nhanh nhẹn, nấu gì cũng thoăn thoắt, xíu là xong. Các món ăn như thể được làm ra chỉ để phục vụ cho mấy người bạn văn chương khề khà nhấm nháp...
(Tôi hay gọi những người lớn tuổi là “chú” – và vợ các chú là “dì”. Nhưng với chú Năng, thì khác. Chú “lái” tôi, bắt tôi gọi là “chú Năng – mự Huệ” luôn!)

...Mười lần tôi đến nhà chú, thì chắc đến bảy lần trước khi tôi ra về, chú lại tất tả đi ra đi vào gọi:
“Mẹ Huệ ơi... coi trong tủ còn cá khô không? Lấy cho cháu đem về…”
Mự Huệ gói gói đùm đùm xong, chú lại ân cần:
“Cầm đi con! Cá các cháu dưới Cửa Hội làm, sạch lắm, ngon lắm…”

Vâng, là tại tôi trót khen cá nục khô nhà chú ngon nhất trần đời – nên mặc định, lần nào đến nhà chú, cũng được cho cá, cho quả, cho rau...

(Với tôi, có hai ngôi nhà nơi thành phố này mà mỗi lần đến, tôi luôn có cảm giác như được trở về nhà mình: một là nhà chú Năng, và hai là nhà chú Lê Duy Nguyên.
Giờ thì… cả hai chú đều đã thong dong cưỡi mây đi dạo bốn phương trời rồi. Mà lạ thay – nếu tôi nhớ không lầm – chú Nguyên cũng mất vào dịp đầu tháng Tư âm lịch...)

***


Đôi bạn thơ đồng niên Nguyễn Duy Năng và Lăng Hồng Quang - Ảnh: Nguyễn Văn Hùng

Dạo đó, có lần chú Lăng Hồng Quang (nhà thơ) nói với tôi:
“T ơi, người làm thơ trên đất xứ Nghệ không đếm xuể… nhưng lứa với chú, thì ông Năng là người có giọng thơ lạ nhất, hay nhất…”

Tôi tìm đọc thơ ông – qua các tập in chung, in riêng.
Đúng là lạ thật. Có gì đó trong thơ ông – như thể hương trầm giữa núi, lại cũng như vị mặn của biển neo trong từng nhịp sóng.
(Tôi xin phép không trích thơ ở đây.)

Một lần, tôi ngỏ ý:
“Cháu có làm mục ‘TGTP’ – Cháu muốn làm chương trình về Chú nhé?”
Chú từ chối lần 1.
Rồi lại từ chối lần 2.
Chú bảo:
“Để khi tau qua được đận 70 tuổi, ngày mô tau cụng mở tiệc mừng thọ, rồi lúc đó... tau lên truyền hình!”
Nói vậy thôi, chứ sau đó, chú vẫn đồng ý cho tôi giới thiệu thơ trong hai chương trình phát thanh của Đài PTTH Nghệ An.

Vài năm sau, được bạn thơ và các con, các cháu động viên, chú tổ chức buổi tọa đàm mang tên “Dắt mẹ vào thơ”.
Chú Lăng Hồng Quang nhắn tôi. Tôi lại hỏi chú. Lần này, chú đồng ý để tôi đến quay phim tư liệu – để dành một ngày nào đó làm chương trình chân dung về chú.

Mãi đến năm 2022, khi chú gần 80 tuổi, tôi mới bắt tay thực hiện chương trình.
Quay không vất vả gì lắm, chỉ có mấy bạn quay phim cứ kêu:
“Quay ông khó quá chị ơi… Ông không biết diễn…”
Tôi nghe mà buồn cười quá, bởi mặt chú lúc đó... thực sự rất căng thẳng!
Tôi trêu tụi nhỏ:
“Đời ông Năng mà biết diễn, thì đến lượt tụi bây với chị đứng đây quay cho ông sao?!”
Chú chỉ gãi đầu cười.

Nghĩ lại – thật đúng là: chú không biết diễn – trên máy quay lẫn ngoài đời.
Vì đơn giản – chú chưa từng cần phải diễn bao giờ, phải không chú Năng ơi?

Với chú, tôi có thật nhiều kỷ niệm – toàn là những kỷ niệm dễ thương. Nghĩ lại, vẫn thấy ấm áp lắm...

Nhớ có lần chú gọi tôi với Hồng ra quán cà phê nhận quà. Chú vừa đi đâu xa về. Tôi thật thà khai:
“Sáng nay cháu không ngồi lâu được đâu, cháu còn phải làm chương trình...”
Chú nói ngay:
“Ờ thì đây, quà bây đây! Hai đứa uống chi – gọi đi con…”

Hai đứa chúng tôi còn đang đoán quà gì… ngoảnh lại đã thấy chú cạn sạch ly cà phê trên bàn.
Chúng tôi phá lên cười:
“Răng mà chú uống nhanh rứa?”
Chú tỉnh bơ:
“Thì hai đứa nói bận, chú uống trước để bây còn đi làm chớ!”
Đó – chú Năng là rứa đó!

Rồi có lần tôi cùng nhóm chú xuống Cửa Hội, ngồi quán nhỏ ven sông ăn cá trích.
Tôi ngồi gỡ từng cái xương cá, chú nhìn cười:
“Con ni đúng là dân tộc trên núi xuống – ăn con cá trích mà gỡ từng cái xương!”
Tôi cũng cười:
“Kệ cháu – cháu sợ hóc xương! Cháu không biết ăn cá trích cũng như dân Kinh không biết ăn cá mát ấy. Ai lại ăn cá mát mà bẻ đầu, vứt luôn lòng cá chớ?!”
Chú cười:
“Ờ... mi nói rứa thì tau cho là huề...”

Và... một câu nói của chú mà tôi từng kể lại với rất nhiều người, trong các câu chuyện vui.
Ấy là một lần, trong bữa rượu, chú hỏi:
“Tau chết, con Th. con H. có đi viếng không hè? Há há há... Có hả? Rứa thì đưa tiền viếng đây cho tau ứng trước, để tau uống rượu…”

Chú Năng ơi, tâm hồn trong sáng của chú – dù nói câu gì cũng chẳng có vẩn đục nào. Chú nói – chỉ để góp thêm tiếng cười, để nối dài những bữa rượu vui…

Những năm cuối đời, chú và mự Huệ không còn ở căn nhà gần ga Vinh nữa, mà chuyển về một căn nhà nhỏ cấp 4, ngoảnh mặt ra “Cửa sông đây, cửa biển cũng là đây…”
Ngôi nhà ấy – tôi nghĩ – biết bao người ước được sống trong đó.
Dù xa Vinh hơn chục cây số, nhưng người như chú – dù ở đâu, bạn bè cũng tìm đến. Họ vẫn gõ cửa, vẫn ghé vào, vẫn lưu luyến như thuở nào...

Hôm nay... chú đã thực sự đi rồi, đi một chuyến giặm xa thiên lý!
Mong chú luôn khỏe mạnh, vui vẻ – để lại uống rượu cùng những bạn hiền bên kia thế giới.
Tôi tin chú sẽ gặp họ – những bạn thơ đầy thân ái của chú.

Thanh thản nhé, chú Năng...
Cháu mãi nhớ về Chú!


 

NHÀ THƠ NGUYỄN DUY NĂNG
(1944 - 2025)


Ông Nguyễn Duy Năng sinh ngày 02/12/1944, quê quán Nghi Hải, Nghi Lộc, Nghệ An (nay là phường Nghi Hải, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về làm cán bộ kỹ thuật Nhà máy đóng tàu Cửa Hội. Thời gian sau, ông được cử đi học các lớp nghiệp vụ quản lý kinh tế rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà máy đóng tàu Cửa Hội. Sau khi học xong khóa học nâng cao nghiệp vụ kinh tế tại Liên Xô trở về, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc kinh doanh của Quốc doanh đánh cá Cửa Hội (trực thuộc Cục Thủy sản) rồi được điều sang làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Nghệ Tĩnh. Khi thị xã Cửa Lò thành lập, ông chuyển về làm Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp thị xã và sau này sang làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Cửa Lò.

Kỹ sư Nguyễn Duy Năng đồng thời là một nhà thơ, có đăng báo từ năm 1967. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Nguyễn Duy Năng là hội viên năng nổ, tích cực với công tác Hội, có nhiều tác phẩm thơ, văn đã được xuất bản như: *Sóng vỗ* (tập thơ, NXB Nghệ An, 1997); *Hoa gạo rụng về đâu* (tập thơ, NXB Nghệ An, 2000); *Tản mạn từ nhà ra ngõ* (tập tản văn, NXB Nghệ An, 2003); *Muối của đất* (tập thơ, NXB Nghệ An, 2005); *Lẫn vào hai nửa* (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2011); *Tản mạn từ quê ra tỉnh* (tập tản văn, NXB Đại học Vinh, 2012); *Biển neo tiếng sóng* (tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012)...

Nhà thơ Nguyễn Duy Năng từng nhận được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như: giải khuyến khích Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần III (giai đoạn 2000–2005) với tác phẩm *Muối của đất*; giải B (không có giải A) cuộc thi thơ trên Tạp chí Sông Lam (2009–2010).
 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Khuất Quang Thụy những quầng sáng trong lam lũ, nhọc nhằn
Bài của nhà văn Sương Nguyệt Minh trên Văn nghệ Online.
Xem thêm
Nhà phê bình Vũ Nho: Tuổi bảy mươi vẫn ham đi tìm cái mới lạ
Những phát hiện mới của Vũ Nho trong công trình “Hồ Xuân Hương Thơ và đời”.
Xem thêm
Nguyên An, người cần mẫn viết chân dung – Tiểu luận của Vũ Nho
Mỗi người viết phê bình văn học có một cách thức, một con đường riêng đi vào thế giới văn chương. Có thể nói Nguyên An là một người thủy chung và có đóng góp quan trọng vào thể loại chân dung văn học.
Xem thêm
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng: Có nụ mừng nụ…
Nguồn: Trang web Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Để văn học Việt Nam cất cánh bay xa?
Bài trả lời phỏng vấn của “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”
Xem thêm
Phùng Văn Khai - Gương mặt thứ 81!
Bài của Nguyễn Thanh Tú trên Website Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Làm thế nào để văn học Việt Nam vươn ra thế giới?
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TPHCM số 156, ngày 26/12/2024.
Xem thêm
Nghệ sĩ, khi đã chín
Nguồn: Tạp chí Tri thức
Xem thêm
Đôi điều về Anh Đức nhân 10 năm người con của An Giang về với đất
Bài viết Đôi điều về Anh Đức nhân 10 năm người con của An Giang về với đất và một số hình ảnh về cuộc hội thảo cùng 2 clip đã được trình chiếu tại sự kiện này.
Xem thêm
Cái đích của nhà văn là viết ra văn
Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trí tuệ nhân tạo có tranh mất việc của nhà phê bình?
Bài in Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 31 (tháng 12/2024)
Xem thêm