TIN TỨC
icon bar

Dấu ấn xứ Nghệ trong thơ người xa quê

Người đăng: nguyenhung
Ngày đăng: 2025-04-25 06:38:17
mail facebook google pos stwis
354 lượt xem

BÙI SỸ HOA
(Tham luận tại Hội thảo khoa học “VHNT Nghệ An 1975-2025: Thành tựu và những vấn đề đặt ra”)

I.

Nói đến văn học một vùng miền, trước hết người ta nghĩ đến những tác giả/cây bút sinh sống và sáng tác trường kỳ ở đó để tạo nên diện mạo văn học đặc sắc, riêng có. Nhưng thực ra, mỗi vùng miền văn học xưa nay thường không/chưa bao giờ là “lãnh địa khép kín” cơ học mà luôn có sự giao kết, đan xen từ ngoài vào, từ trong ra, từng bước định hình, in sâu dấu ấn của các tác giả/cây bút trong đời sống văn học vùng miền đó cũng như cả nước.

Soi chiếu qúa trình phát triển của thơ Nghệ An từ sau cách mạng 1945 đến nay chẳng hạn, sẽ thấy một bức tranh với nhiều mảng màu biến động. Trần Hữu Thung tạo dấu ấn bằng lối viết mộc mạc, dân dã từ “Thăm lúa” (viết ở Đô Lương, 1950), “Anh vẫn hành quân” và nhiều sáng tác khác bắt đầu từ Nghệ An và sau đó mở rộng ra vùng Liên khu 4 và cả nước. Tương tự là câu chuyện của tác giả bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, nhà thơ Minh Huệ sáng tác năm 1950 ở Nghệ An nhưng đất Nghệ không phải là “địa chỉ” sáng tác duy nhất của ông. Đến thời chống Mỹ, nhiều người biết sáng tác thơ nổi bật của Thạch Quỳ- người cả cuộc đời gắn bó với quê hương, nhưng đồng thời cũng biết đến Quang Huy hay Hồng Nhu.. không phải quê Nghệ nhưng dành cả tuổi thanh xuân trên đất này với nhiều tác phẩm đậm đà chất Nghệ. Thời kỳ sau này có những tác giả không phải quê Nghệ nhưng gắn bó máu thit và “hòa nhập” thực sự như Đoàn Xuân Hòa, Ngô Minh hay Phạm Thùy Vinh… Nhiều nhà thơ sống ở quê và xa quê cũng như các nhà thơ gắn bó cuộc đời và sáng tác với đất Nghệ là lực lượng “hơp thành” tạo nên vóc dáng riêng của thơ Nghệ An trong lòng bạn đọc gần xa.

Nhưng thơ Nghệ An trên văn đàn luôn “cất tiếng” dõng dạc không chỉ ở trong tỉnh mà trong cả nước, nhất là sáng tác về quê hương/cố hương của những người Nghệ xa quê suốt quãng dài cuộc đời hay từng thời kỳ khác nhau. Có thể kể đến các nhà thơ Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi, Vương Trọng, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Mậu, Vương Cường, Phạm Quốc Ca, Tuyết Nga, Bùi  Sỹ Hoa, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyên Hùng, Nguyễn Đình Tâm, Lâm Quang Mỹ, Phan Xuân Luật, Uông Thái Biểu…và nhiều gương mặt thơ khác. Bài viết xin mạnh dạn góp một tiếng nói để tìm hiểu và đánh giá về dấu ấn thơ của người Nghệ xa quê trong tổng thể văn học Nghệ An và cả nước từ năm 1975-2025, với góc nhìn hạn hẹp của một người trong cuộc.

 

II.

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khi rời quê hương để rồi trong thơ bộc lộ đầy đủ những dấu ấn của cuộc đời, năm tháng mà nhà thơ đã trải qua, đã chiêm nghiệm và cất lời gan ruột. Họ có nhiều điểm chung trong cuộc sống bươn chải, khó nhọc để vươn lên, đồng thời cũng mang nhiều nét riêng trong tâm trạng, giãi bày, trong cách thể hiện mình trước thời thế, cuộc đời.

1.Trước hết là nét phác thảo ban đầu của các nhà thơ xa quê trong những bức chân dung tự họa. Nhà thơ Vương Trọng kể rất thực về “lý lịch” của mình “…vào đại học, xa quê/Đi biền biệt những mùa hè chiến tranh/Rồi yêu rồi lập gia đình…” (Chị dâu); nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể về mẹ, cũng chính là kể “gốc rễ” của mình: “Mẹ tôi dòng dõi nhà quê/Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu/Áo sồi nâu, mấn bùn nâu/ Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên” (Mẹ tôi); nhà thơ Lê Huy Mậu tự thú “Tôi - một trẻ chăn trâu phiêu dạt lâu rồi” (Rú Chùa); nhà thơ Hoàng Trần Cương kể “Năm tròn bảy tuổi đầu/Theo cha ra Hà Nội” (Cá gỗ- trường ca Trầm tích); nhà thơ Phạm Quốc Ca khái quát “thân thế” trong hai câu “..đi lính rồi phương nam lập nghiệp/Miên man giảng dạy, học hành (Tàu qua quê hương); nhà thơ Nguyên Hùng giữa phố thị vẫn luôn nhớ mình “…sinh ra từ một dòng sông/Sông dài rộng, con đò ngang thì bé..”(Gửi dòng sông câu ví); nhà thơ Nguyễn Đình Tâm bập bềnh, khắc khoải và liên tưởng “Quê mẹ cát, quê cha cũng cát/Mũi thuyền cong cuốn ngược mái đình chùa/Từng lớp ngói lô xô ngàn đợt sóng..” (Quê cát); nhà thơ Lâm Quang Mỹ nhóm lửa lòng trên xứ lạnh xa xôi “Đã mấy năm rồi xa đất nước/ Lửa ấm gia đình nhóm trong mơ” (Cung đàn), nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ ở kinh kỳ đô hội mà lòng thầm nói với quê “… lắm phen lạc lõng/Chốn quan trường danh lợi hơn-thua” (Quê ạ)…

Dù mỗi người có một điểm xuất phát, mỗi người một trạng huống riêng trong thơ nhưng họ đều có chung một điểm nhìn về, nhìn lại, một nơi hướng tìm lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi chưa thành công. Duy nhất một người, một nơi họ có thể nói hết, nói thực nhất lòng mình không cần giấu diếm, chính là mẹ, là cố hương:

-“Con lang thang, vất vưởng giữa đời thường

Đâu cũng sống, không đâu thành quê được…”

                            (Vương Trọng - Khóc giữa chiêm bao)

-“ Ba mươi năm bưng bát cơm xứ Bắc

Vẫn không quên vị gạo đỏ quê nhà

 

 

Những bữa tiệc sang vẫn nhớ nhút với cà

Phòng máy lạnh nhớ quạt mo xứ Nghệ”

                            (Nguyễn Bùi Vợi – Thanh Chương tráng khúc)

Chốn phù hoa người xa kẻ lạ

Vẫn sắt se góc ruộng, ao làng

                             (Nguyễn Thế Kỷ - Quê ạ)

-“Nhớ quê, anh trở lại nhà

Tìm quê thì có, tìm nhà thì không”

                          (Dương Quang Minh-Nhớ quê)

Ngác ngơ giữa phố

Một thằng nhà quê

Nhớ thương mộ tổ

Biết bao giờ về

                   (Nguyễn Trọng Tạo – Lưu lạc)

 

Nhưng xuyên suốt và nhất quán trong thơ của những người Nghệ xa quê là gìn giữ cốt cách Nghệ trước mọi biến cố, là ý chí vươn lên, không cam chiu, là ước mơ và khát vọng không ngưng nghỉ, tìm đến những chân trời mới lạ, là ý chí vượt lên mọi nghịch cảnh để đứng thẳng làm người.

 

Những câu, những tiếng giản đơn đi suốt cuộc đời:

 

“Nhà mình quý nhất con ơi

Nâng niu, gìn giữ tình người trước sau

Đã rằng hai tiếng thương nhau

Thì thương cho đến bạc đầu còn thương

                        (Vương Trọng – Nói với con dâu)

 

Dù  đi tới chân trời góc bể

Vẫn còn nghe ộp oạp phía sau lưng

                         (Lê Huy Mậu – Quê ơi)

“Chỗ ướt mẹ nằm” trong thơ Việt nay được cụ thể hóa bằng thơ người Nghệ ở vùng quê cát”:

Giếng làng chắt một nửa gàu là cát

Phần đục mẹ uống rồi, phần trong để cho con

                         (Lâm Quang Mỹ - Mẹ và q

Những ước vọng, khám phá không bao giờ ngưng nghỉ:

 

Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi

Chân trời là nơi có dãy núi mờ tím

Dãy núi ấy bây giờ tôi đến

Trước mắt tôi lại một chân trời”

                         (Phạm Quốc Ca - Chân trời)

Khát những chân trời ở miền xa lắm

Bàn chân trần úp đất rộn ngày

                       (Uông Thái Biểu – Khát)

Phải yêu lắm, thương lắm mới viết được những câu thơ “đằm” đến thế:

“Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Chắt từ sỏi đá khô cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em”

                        (Nguyễn Bùi  Vợi – Tiếng Nghệ)

“Như diều buông dây hư không biền biệt ta trôi tới nơi khói sương huyền mặc

Ta lạc tận miền vầng trăng nguyệt thực

Lang thang lang thang lang thang

Mang trong mình di chỉ của quê hương

                       (Tuyết Nga – Di chỉ)

“Buổi sáng đầu tuần chim hót đợi bình minh

Tiếng hót cô đơn trên ngọn cây cao vút

Khúc giao thừa sương mai ẩm ướt

Vời vợi tiếng ru điệu ví dặm quê nhà”

                      (Trần Hoàng Thiên Kim- Khi mình bay lên)

 

Những trăn trở, xôn xao và những buồn vui tiếc nuối:

Tháng năm dài sống trong cách xa

Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ

                    (Nguyên Hùng – Gửi dòng sông câu ví)

-“Dòng sông lạ bóng người về

Vắng cánh buồm nâu chở ước mơ ta về chân trời tít tắp”

                            (Phạm Quốc Ca – Về quê)

Những điều chỉ người Nghệ mới suốt đời mang nặng:

“Chắt chiu bùi thơm

Gom vào khoai lạc

Bao nhiêu ngọt lành

Đọng vào mùa cam

Bao mạch trong mát

Hội dòng sông Lam

Thơm thảo nghĩa tình

Lắng hồn ví dặm

                   (Nguyễn Đình Tâm – Quê cát)

Mỗi ngày là một câu hỏi lớn đập trong ngực nóng:

Mẹ vẫn manh áo vá

Quanh năm dưa với cà

Sương giăng thành sợi bạc

Nắng nỏ thành màu da”

                (Phan Xuân Luật – Mẹ)

“Rồi ngày xa lắm

Thở hơi cuối cùng

Diêm cụt đầu đến hỏi

Gửi lại đời gì không
                    (Nguyễn Trọng Tạo – Gửi Thạch Quỳ)

 

Khó khăn đến mấy cũng vững niềm tin:

Quê hương lùi lũi quê nghèo

Dạy tôi khôn lớn với nhiều niềm tin

Mồ hôi, máu đổ thắp lên

Vầng dương châu thổ, ngọn đèn mom sông

Tôi mơ những sớm mai hồng

Bóng đêm tan hết, mặt đồng sáng tươi”

                 (Võ Văn Trực – Đất quê nghèo)

 

Đó có thể coi là “diện”, “diện rộng” khái quát thơ về quê Nghệ. Về “điểm”, “điểm nhấn”, thể hiện tập trung hơn, nổi bật hơn và đạt được nhiều thành công hơn, được đông đảo bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao đều “tụ” ở thể loại trường ca, nơi các tác giả có cơ hội thể hiện nội lực sáng tạo từ cụ thể, chi tiết đến khái quát, bao trùm nhất chủ đề đặt ra trong thời lượng, chất lượng mỗi tác phẩm.

Nhiều nhà thơ người Nghệ xa quê trình làng rất nhiều trường ca như Vương Trọng (Đảo Chìm -1994, Hơi thở rừng hồi -2022, Hà Nội của tôi -2009), Nguyễn Trọng Tạo (Tình ca người lính-1983-1997, Con đường của những vì sao-1978), Hoàng Trần Cương (Đỉnh Vua – 2002, U Minh – 2002,…), Nguyễn Đình Tâm (Thức với biển- 2015)… Riêng trường ca tập trung viết về quê có thể kể: Hoàng Trần Cương với Trầm tích (1999), Long mạch (2015); Lê Huy Mậu với Thời gian khắc khoải (2002); Bùi Sỹ Hoa với Hốc chọ (2023)…Đọc các trường ca viết về quê hương nói trên, điều dễ nhận ra là các tác giả vừa khái quát được hồn vía, tính cách, quan niệm sống rất riêng, rất đặc biệt, truyền đời của vùng đất, con người xứ Nghệ không lẫn vào đâu được, vừa thể hiện được chất sáng tạo độc đáo, thu hút của riêng từng ngòi bút tràn đầy tình yêu quê hương, xứ sở. Điều đặc biệt, ba bản trường ca viết về quê Nghệ nói trên đều có một chương thành công đáng nói, được đánh giá cao nhờ những câu thơ vụt sáng, tứ thơ độc đáo, cả nội dung và nghệ thuật đều có tính sáng tạo, mới mẻ.

Đó là chương Miền Trung trong trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương với những câu thơ, khổ thơ đặc biệt xuất sắc khi nói đúng, nói trúng, đầy hình ảnh về miền đất gian khó này, những điều tưởng nhiều người biết nhưng chỉ có một người nói ra thuyết phục và hay đến lạ:

-“Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”

 

-“Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người”

-“Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật”

Đó là chương Khúc hát sông quê trong trường ca Thời gian khắc khoải của Lê Huy Mậu. Đọc chương này cũng như nghe bài hát Khúc hát sông quê do Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, có thể thấy sự đồng điệu tuyệt vời giữa nhà thơ và nhạc sỹ khi cất lên tiếng hát về tình yêu quê hương, xứ sở. Thực ra, từng câu thơ nguyên bản trong chương này luôn hiện lên vẻ đẹp riêng, mang đậm hồn cốt quê cha đất tổ dưới ngòi bút tràn trề sinh lực và nhựa sống:

-“Tháng ba phù sa sóng đỏ

Cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng”

-“Này dòng sông

Ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ

Phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta

Sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế

Mẹ cho ta một xu bánh đa vừng…”

-“Cùng một bến sông

Phía dưới trâu đằm…”

 

Được biết, trong trường ca Trầm tích nói trên, Hoàng Trần Cương viết một chương Cá gỗ theo thể thơ 5 chữ, có đoạn “Đúng là dân cá gỗ/ Giẻ lau gọi nùi trồi/ Đã thế còn hay nói…”. Chương này tự sự về tuổi nhỏ của tác giả, được cha kể sự tích cá gỗ từ chuyện đi thi của người Nghệ ngày xưa, chuyện vượt khó để học hành đỗ đạt, thành người. từ đó giúp bản thân quyết chí vươn lên. Có sự trùng lặp thú vị, trường ca Hốc chọ của Bùi Sỹ Hoa cũng có chương V(Tôi là cá gỗ), được Nhà thơ Đặng Huy Giang coi là một trong những chương hay nhất của bản trường ca, bởi “đã chọn được cách diễn đạt, cách hành xử đúng mực, vừa chân thành, vừa thành thực, không hẳn cương mà cũng không hẳn nhu, uyển chuyển và có sức thuyết phục cao”*:

 

-“Tôi là cá gỗ

Từ đẽo gọt mà nên

Từ thẹo thừa bỏ đi mà có

Tôi phù sa sục bùn mơ cá lúa đằm vai…”

Nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định trường ca Hốc chọ là “bài ca của sự nhẫn, của sự không khuất phục, của sự cương cường, của ý chí, của cốt cách…làm  nên một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghệ”*

 

2. Dấu ấn của các nhà thơ người Nghệ xa quê được tạo nên từ tập hợp sinh động của nhiều chủ đề, đề tài khác nhau góp vào dòng chung của văn học Nghệ An và cả văn học Việt Nam. Tuy vậy, mỗi nhà thơ lại có một “tạng” khác nhau, thế mạnh và cá tính sáng tạo độc đáo, một “vùng văn học” để tạo đường hướng phát triển, để khoe sắc mới, hương riêng trong vườn hoa muôn màu, muôn vẻ.

Ai cũng biết Nhà thơ Vương Trọng vốn rất thành công với những bài thơ về vấn đề cấp bách, nóng rẫy của đời sống, được cơ quan có trách nhiệm cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm, xử lý và bày tỏ ngưỡng mộ về trách nhiệm công dân của nhà thơ, như các bài thơ Bên mộ Cụ Nguyễn Du, Hai chị em, Cây bồ kết trong Nghĩa trang Đồng Lộc…Nhưng sẽ không đầy đủ nếu bỏ qua những bài thơ viết về quê hương của nhà thơ như Mẹ đồng chiêm, Khóc giữa chiêm bao, Chị dâu…và đặc biệt khi đọc bài Lời dặn với hai câu kết “Những vòng hoa thành phố quá chóng tàn/ So sao được với tình thương gốc rễ”. Tình thương gốc rễ ấy luôn bền chặt trong tâm tưởng, suy ngẫm của nhà thơ, để ông luôn viết nên những câu thơ gan ruột, chân thực và lay động khôn nguôi.

Thơ Vương Trọng như chính con người ông, mạch lạc, khúc chiết, lại đằm thắm, sâu sắc, hóm hỉnh và lắng đọng. Nhà thơ Vương Trọng từng bộc lộ việc ngưỡng mộ và đi theo con đường của Đỗ Phủ (dù rất phục tài thơ Lý Bạch), ngưỡng mộ Nguyễn Du và luôn đứng về phe cuộc đời gian lao, khốn khó. Chính vì vậy, sâu nặng trong thơ ông là số phận con người, là tình thương, lẽ phải ở đời. Sẽ không sợ sai nếu nói rằng, phần lớn các nhà thơ xứ Nghệ xa quê hay ở quê đều lặng lẽ chọn con đường thơ chân chất, nghĩa tình ấy, theo cách của Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, dù mỗi người một tạng và thành công luôn không dễ dàng ở bất cứ thời điểm nào. Sáng tác về quê hương của các nhà thơ Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi, Phạm Quốc Ca, Lê Huy Mậu, Nguyên Hùng, Nguyễn Đình Tâm, Nguyễn Thế Kỷ…đều đến với bạn đọc, bạn viết bằng tấm lòng chân chất, nói ít ngẫm nhiều, giản đơn như hạt lúa, củ khoai nhưng hương thơm cứ dâng thăm thẳm lòng người.

Trong khi đó, sáng tác của các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Vương Cường, Tuyết Nga, Mai Quỳnh Nam, Đặng Thiên Sơn…có thể “khó đọc” với một số người “ưa tìm về chốn cũ” nhưng được những người theo xu thế cách tân tán thưởng. Ở đây cần chú ý rằng“Với Nguyễn Trọng Tạo, việc cách tân không đồng nghĩa với việc phải đập vỡ và tẩy chay mỹ học truyền thống. Anh biết nâng niu di sản văn hóa quê hương và cố gắng tạo nên sự “hòa giải” giữa cái cũ và cái mới trong thơ” và “Câu chữ của anh nhô lên từ truyền  thống nhưng không bị áp chế bởi cái nhìn xưa cũ mà có những phá cách về nghệ thuật” (Nguyễn Đăng Điệp)**. Nhà thơ tự nhận là “thằng nhà quê giữa phố” ấy, từ Hoan Diễn -Nghệ An đi ra đã chủ động bồi đắp thêm các tố chất văn hóa khác, từ những gãy gập, trúc trắc, xa xót của những câu ví dặm quê nhà để viết nên  những câu thơ lục bát tưng tửng, mềm mại hiếm thấy. Trở lại bài Mẹ tôi, câu thơ tả người mẹ “Áo sồi nâu, mấn bùn nâu” là một minh chứng cụ thể cho nhận định trên, khi nhà thơ sử dụng một từ địa phương xưa cũ tưởng mất dạng mà đọc lên vẫn hợp lý lạ thường với bạn đọc xa gần.

Với những người xa quê, dường như tình yêu quê hương đã giúp họ luôn thấy càng đi xa thì quê càng gần trong tâm khảm, những gì ngỡ cũ mòn lại trở nên sống động trong từng câu thơ, từng trang viết. Để rồi, khi đã hội đủ tâm thế và sức lực, dồn nén cảm xúc và khả năng sáng tạo, các nhà thơ mạnh dạn làm mới mình bằng thể loại trường ca với tất cả sâu năng nghĩa tình, bề dày vốn liếng, sâu xa ý tưởng và tầm cao vươn tới. Đó chính là “Khoảng rộng và khoảng dài, chuyện hư và chuyện thực đủ chỗ cho tác giả tung hoành về bút pháp…” và nhà thơ phải “tìm được khoảng đắc địa để tung hoành cả nội dung suy tưởng lẫn hình thức biểu đạt” (Vũ Quần Phương)***

Miền Trung gian khó được Hoàng Trần Cương khái quát cụ thể và “sắc lẹm” như chính sự vật trong câu thơ “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”. Tính từ “mỏng”, “sắc” đi theo danh từ “cật nứa” dưới ngòi bút tài hoa bất ngờ được ví với cả miền Trung nghèo khó. Rồi nhà thơ còn đẩy câu chuyện đi xa hơn bằng một động từ rất Nghệ “chuốt ruột” vốn ghê lạnh, xa lánh thành sự đẹp đẽ, mượt mà dải lụa sông Lam. Người miền Trung nói chung, người Nghệ nói riêng không bao giờ cam chịu chính là ở chỗ đó. Mỏng và sắc (cứng, khó ưa..) đã biến thành dải lụa (mềm, dễ ưa..) là cả một quá trình giành giật, đấu tranh bền bỉ để vươn lên của con người trên đất khó, đất khổ này. Nói về miền Trung nói chung hay quê Nghệ thiên tai khắc nghiệt, từ xưa đến nay có lẽ hai câu thơ “Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người” là những câu thơ “đỉnh” nhất trong cả làng thơ Việt. “Gió bão” nói chung được cụ thể hóa “tốt tươi như cỏ”, rồi thu gọn điểm nhìn bất ngờ “mọc trắng mặt người” thì chỉ có Hoàng Trần Cương mới viết được và dám viết. Cỏ tươi tốt và non xanh vốn đẹp đẽ trong mắt người, nhưng khi được so sách với gió bão vốn vô hồn, vốn khủng khiếp thì gương mặt người trở nên “trắng” là cực kỳ chí lý và tạo ra một hình ảnh quen đấy mà cũng lạ đấy. Cứ hư hư, thực thực, cụ thể rồi khái quát khiến cho câu thơ, khổ thơ vừa gần vừa xa, vừa cụ thể trước mặt vừa trừu tượng xa xăm.

Trong trường ca Long mạch, Hoàng Trần Cương tả sông Lam chảy “sờn bóng quê làng” hay “Con cháu sum vầy/Bếp chật/Khói phân vân” là bước tiếp theo của sự thăng hoa về cảm xúc và tài tình của sáng tạo chữ nghĩa đầy cá tính và dấu ấn. Thật đúng với nhận xét của Vũ Quần Phương “Tạng cảm xúc nơi ông âm thầm gắn kết bền chặt với hồn vía của văn hóa Việt, trong đó khá đậm, cố nhiên, chất Nghệ quê ông”***.Nói được cái có thật, khốc liệt mà vẫn không mất đi vẻ hào sảng, cao khiết quả là nét truyền thống, sở trường và cả những nét mới đáng quý được du nhập, tiếp biến của nhà thơ gốc Nghệ, trong đó Hoàng Trần Cương là ví dụ rõ nét, đắc địa.

Trong khi đó, nhà thơ Lê Huy Mậu lại biết cách chạm đúng chỗ sự vật và hiện tượng dù nhỏ, rất dễ bị bỏ qua, xem nhẹ lâu nay, khiến nó vang ngân và thu hút từ những ký ức tuổi thơ giản dị, mộc mạc. Đó là lần chờ mẹ đi chợ về với “xu bánh đa vừng”, là lần tắm sông bến trên, sóng dưới, là những xôn xao với “vị heo may trên má em hồng”…Nhà thơ không chỉ diễn tả cảm xúc dào dạt trong lòng mà hơn thế còn biết “phả” vào mỗi ký ức nhỏ nhoi một luồng sáng mới, một rung động mới, khiến ký ức một thời cứ lung linh, sống động, tràn  đầy bâng khuâng ở ngay trước mặt, trong lòng mỗi người, nhất là những người xa quê đằng đẵng.

Người đi sau nếu không biết cách có thể lặp lại người đi trước lúc nào không hay, nhất là khi người đi trước rất thành công. Bởi vậy, cũng viết về quê hương nhưng Bùi Sỹ Hoa chọn “Hốc chọ”- một nơi, một khái niệm ít người biết tới, là cách viết có tính toán, hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể để thể hiện sức vóc, thế mạnh của mình, chính là “khoảng đắc địa” của nhà thơ. Bùi Sỹ Hoa nhận ra quê hương qua “Con dao sắc ngủ cùn trong vỏ tối”, bạc đầu rồi càng thấm thía một điều tưởng rất bình thường “Chén nước trắng trong dâng đặt trước ban thờ”…

 

II

“Hồi hương”, “Vọng cố hương” theo cách xưa và nay là nhớ quê, thương quê không phải là đề tài mới lạ trong thơ thế giới và Việt Nam, thậm chí đã có những tác phẩm tiêu biểu, định hình trong lòng bạn đọc xưa nay. Nhiều người nhớ Giả Đảo - đời Đường, Trung Quốc với những câu thơ bất hủ “Tinh Châu đất khách trải mươi hè/ Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ về/Qua bến Tang Càn vô tích nữa/ Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê” (Tản Đà dịch) hay Basho -Nhật Bản với bài thơ haiku “Đất khách mười mùa sương/ Về thăm quê ngoảnh lại/ E-đô là cố hương” (Đoàn Lê Giang dịch) và sẽ liên tưởng tới  những câu thơ của Chế Lan Viên “…Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu)..

Điều tưởng như cố hữu, cố nhiên đó của nhân loại xưa nay nhưng với người Nghệ xem ra lại…không hẳn thế, mà theo cách riêng một cách cố hữu, bền bỉ. Thì đây, nhà thơ Vương Trọng khẳng định “Con lang thang, vất vưởng giữa đời thường/ Đâu cũng sống, không đâu thành quê được”. Chưa hết, cũng chính Vương Trọng khi đi qua hết mọi miền thì nói thẳng “So sao được với tình thương gốc rễ”! “Không đâu thành quê được” có nghĩa chỉ một xứ Nghệ, đất Nghệ “tình thương gốc rễ” là quê hương, không thể khác. Đó chính là dấu ấn đặc biệt của thơ người Nghệ xa quê, không riêng nhà thơ Vương Trọng mà hầu hết các nhà thơ xa quê khác, mỗi người một cách riêng đều rắp tâm, một hướng khẳng định chân lý giản dị và truyền đời đó trong thơ và trong cuộc sống.

Nhưng không chỉ thể hiện đến mức cao nhất hình tượng thơ, hoàn hảo nhất về tính cách Nghệ thông qua năng lực sáng tạo trong thơ theo đúng truyền thống “can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến …cá gỗ” (Đặng Thai Mai), các nhà thơ xứ Nghê xa quê luôn học tập và tiếp thu văn hóa của nhiều vùng miền khác để làm đẹp thêm, sinh động thêm văn hóa xứ Nghệ trong quá trình giao lưu và hội nhập. Những sáng tác bộc lộ sự mới mẻ, cách tân hay sự đằm sâu, lay động tâm can người đọc của Anh Ngọc, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Mai Quỳnh Nam, Tuyết Nga…và nhiều người khác trong thơ ngắn, thơ dài, tập thơ hay trường ca khi viết về quê hương minh chứng sinh động điều đó.

Dấu ấn thơ về quê hương trong văn học Việt Nam lâu nay, từ những hình ảnh cụ thể, sinh động “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre” (Giang Nam – Nhớ con sông quê hương), “Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã/Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh” (Lê Anh Xuân – Nhớ cơn mưa quê hương), “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/Mùa con voi xuống sông hút nước…” (Thân Như Thơ – Tháng ba Tây Nguyên)…đến hình tượng đặc sắc, tân cùng bản sắc “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” (Y Phương – Nói với con) cùng nhiều câu thơ hay, bài thơ hay khác, tạo nên một bức tranh chung muôn màu, muôn hương về vườn xuân văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc Việt Nam.

Miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng trong thơ, nhất là thơ người xa quê phản ánh bản chất gian khó và vượt lên của con người bao đời nơi đây. Quê hương/cố hương hiện lên vừa thơ mộng vừa trần trụi, vừa nhọc nhằn vừa hào sảng với đầy đủ nghĩa tình sâu nặng truyền thống không thể đổi thay bên cạnh những nét hay, điều mới từ bên ngoài được tiếp thu một cách tự nhiên như đời sống vốn vậy. Như những câu thơ ngỡ bình thường mà gan ruột “Làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ/Ô-tô về phải dừng lại đường quan” (Vương Trọng – Lời dặn) được tiếp nối, nâng bước với những câu thơ giàu tính khái quát, nâng thành hình tượng “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/Chuốt ruột mình thành dải lụa Sông Lam” (Hoàng Trần Cương – Miền Trung, trường ca Trầm tích) là những tác phẩm/tác giả tiêu biểu cho nhận định vừa nêu.

Đến đây cần nói thêm là rất khó tách bạch hay phân định rõ ràng dấu ấn sáng tạo trong thơ của người xa quê khi viết về đất nước nói chung và quê hương nói riêng. Bởi cố hương, quê hương là đất nước thu nhỏ và đất nước, tổ quốc trong mỗi hồn thơ thường bắt đầu từ mẹ, từ em, từ tiếng gà gáy sáng hay ánh trăng thầm thĩ, nhớ nhung. Vậy nên mới có chuyện người nơi khác viết rất hay về xứ Nghệ và người Nghệ cũng viết hay về các vùng miền khác. Sự đan xen, gắn kết và hòa hợp tình yêu đất nước, tình yêu quê hương giúp mỗi nhà thơ thỏa sức vùng vẫy, sáng tạo, vượt qua sự gò bó, khiên cưỡng để đạt đến trạng thái tự nhiên, thăng hoa, để thốt lên, bùng lên những câu thơ gan ruột, để đời.

Hà Nội đầu xuân Ất Tỵ 2025

-----------                                         

*Đăng Huy Giang: Một tinh thần Nghệ, một bản lĩnh Nghê, Báo Văn Nghệ số 52, 30/12/2023

**Nguyễn Đăng Điệp: Nguyễn Trọng Tạo chớp mắt với ngàn năm – bài giới thiệu Tuyển tập Nguyễn trọng Tạo-thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2011

***Vũ Quần Phương: Thế núi hình sông mang vóc dạc tâm hồn dân nước – thay lời giới thiệu trường ca Long mạch của Hoàng Trần Cương, NXB Hội Nhà văn, 2015

Bài viết liên quan

Xem thêm
Những vết thương không khép – Một góc nhìn từ “Dọc đường máu”
Thơ Vương Cường không chỉ là hồi ức, mà còn là lời nhắc nhớ, để chúng ta không quên những trang sử bi tráng của dân tộc. Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu chùm 5 bài thơ rút từ tác phẩm này.
Xem thêm
Luẩn quẩn giữa yêu và đau
Anh nói về niềm tin, em nói về hoài nghi/ hai phía nối dài trên định mệnh ta đi
Xem thêm
Vũ Quần Phương với thơ hay
Trong số những nhà thơ kể trên, thì Vũ Quần Phương là người viết nhiều lời bình hơn cả, ở đây có bình tác giả, bình tập thơ và đặc biệt là bình các bài thơ hay, như là một đơn vị cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng thơ.
Xem thêm
Một phía của đời - Giữa hữu hạn và vô hạn
Về tập thơ Một Phía của Mai Quỳnh Nam
Xem thêm
Đặc sắc của Khuất Quang Thụy
Bài viết của Nguyên An và thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
Một phía nhìn từ nhiều phía
Vừa mới sáng nay, tôi tình cờ đọc được bài viết “Một phía nhìn từ nhiều phía” của Dương Kỳ Anh trên website báo Văn nghệ Công an, thì cách đây chục phút lại đọc được tin dữ qua FB nhà thơ Hữu Việt về sự qua đời thật đột ngột của nhà thơ, cựu TBT báo Tiền Phong.
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Tấn Phát - người tìm lại tình đời
Bài viết về tiểu thuyết “Hoàng hôn lóng lánh”
Xem thêm
Nhịp cầu kết nối – Khi Nguyễn Trường dẫn lối độc giả
Bài đăng website Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống
Xem thêm
“Thơ như tôi hiểu” - Một góc nhìn mới về ngôn ngữ thơ
Về cuốn sách “Thơ như tôi hiểu của Lê Xuân Lâm”
Xem thêm
Hồ Thế Hà đường thơ tối giản
Nguồn: Đỗ Lai Thúy/Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 11/2024
Xem thêm
Đôi khi với các nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã và Dung Thị Vân
Đọc tám câu lục bát của nhà thơ Nguyên Hùng do nhà thơ Dung Thị Vân chép tay, tôi không khỏi giật mình...
Xem thêm
"Những câu thơ thật thà tuột run qua tim”
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Xem thêm
Nhà văn Như Bình và Sự im lặng biếc xanh
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành trên Dân Trí
Xem thêm